LINH PHƯỚC TỰ - CHÙA RỒNG.
(ẢNH NGUỒN: ANH DB.).
"Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Ba La Mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn. Này Ông Xá Lợi Phất, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế. Này Ông Xá Lợi Phất, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh không diệt, chẳng nhơ không sạch, chẳng thêm không bớt. Cho nên trong cái không đó, nó chẳng có sắc, không thọ, tưởng, hành, thức. Chẳng có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chẳng có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới ... ... ..."
(MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH, 260 CHỮ).
NGŨ UẨN là:
1/ SẮC, chỉ thân và sáu giác quan (lục căn) gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
2/ THỌ, chỉ toàn bộ các cảm giác.
3/ TƯỞNG, chỉ sự nhận biết các tri giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị. Kể cả sự nhận biết ý thức đang hiện hữu.
4/ HÀNH,
chỉ những hoạt động về tâm lý sau khi tưởng như chú ý, đánh giá, vui
thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh ngộ. Hành là chủ thể tạo nên nghiệp
thiện hay ác.
5/ THỨC, chỉ sáu dạng ý thức có
liên hệ đến sáu giác quan: ý thức nhận biết của mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân, ý. Nếu không có thức, người ta sẽ không phân biệt được màu sắc
hay âm thanh, con bò hay xe kéo, bánh kem hay quả táo ...
Vạn
Vật trong Vũ Trụ đều thay đổi không ngừng, có sinh thì tất có tử, có
thịnh thì phải có suy, có trẻ thì phải có già, có hợp rồi sẽ có sự chia
lìa, có tiền đầy hầu bao rồi sẽ có lúc bị nhẵn túi, có nhan sắc rồi sẽ
đến lúc bị tàn phai hương sắc ... Chẳng có bất cứ một điều gì có thể tồn
tại, bất biến, hay cố định mãi mãi. Vị trí của các vì sao hoặc hành
tinh to lớn như Mặt Trời, Mặt Trăng hay Quả Địa Cầu, cũng như vị trí của
các nguyên tử trong mọi vật chất đều luôn luôn thay đổi theo từng chu
kỳ thời gian.
"Hoa nở để mà tàn
Tuyết lạnh rồi cũng tan
Trăng tròn rồi lại khuyết
Bèo hợp rồi lìa tan."
Nhưng
trước khi tàn, Hoa tô điểm màu sắc cho Đời và để lại tinh dầu được chế
biến thành dầu thơm. Trước khi tan, tuyết bao trùm và tạo nét đặc thù
cho cảnh vật trong Mùa Đông rét buốt, cũng tạo thêm nguồn vui cho Người
Đời, vì nếu không có tuyết thì con người ta làm sao có trò chơi trượt
tuyết ? Trước khi khuyết, Trăng phải tròn để tạo nguồn thi hứng cho Các
Tao Nhân - Mặc Khách, giúp các thiếu nhi có cái thú thưởng Trăng vào Dịp
Rằm Tháng Tám và cũng tạo nên sức hút cho thuỷ triều, lên - xuống; tạo
sức sống cho các loài thuỷ sinh. Trước khi lìa tan, bèo đã hợp để giúp
người ta có phương tiện để làm thức ăn nuôi vịt và che phủ mặt ao hồ,
làm mát lũ cá trong những buổi trưa Hè oi bức.
[
30/04/1975 thần tốc ào đến với mọi Con Dân của Miền Nam Việt Nam. Cũng
như bao người, tôi sạch nhẵn mọi ước mơ, lẫn vật chất và cả tình cảm.
Trong khi chờ đợi để thích ứng với một xã hội mới, chỉ biết kiếm sống
bằng sức lao động chân tay, điều mà Bố Mẹ đã dày công tránh né cho các
con của mình bằng cách đầu tư vào con đường học vấn, "có kiếm ăn thì hãy
kiếm ăn bằng bộ não của chính mình !". Nhưng điều này lại không thích
ứng với hoàn cảnh sống lúc bấy giờ, các vị "đầy tớ của nhân dân" luôn
"giáo huấn" rằng "lao động trí óc không tạo ra của cải vật chất, mà chỉ
có lao động chân tay !". "Lao động là vinh quang - Lang thang thì chết
đói !". Nếu biết có ngày này, chắc chắn Ông Bà Cụ Thân Sinh của chúng
tôi không cho các con học chữ nhiều, chỉ vừa đủ biết số để đếm tiền,
"văn hay chữ tốt - không bằng thằng dốt lắm tiền !". Mà cho anh em chúng
tôi học môn cử tạ, để rèn luyện "vai u, thịt bắp", để dễ dàng đảm nhiệm
và gánh vác việc ... Nhà Nước. Một vị lãnh đạo cấp Phường đã "tiêng
cha" (tuyên bố) một câu xanh dờn:
- "Các anh ỷ nhiều chữ nên nhiều chuyện ! Cứ hay thắc mắc, ý kiến ý cò lôi thôi !".
Trong
nhiều ngày, tôi lang thang kiếm việc thích hợp với sức của mình, nhưng
không dễ. Đành như con chó đói, thất tha thất thểu, rồi ngồi vật vạ vật
vưỡng nơi ghế đá trong sân vườn, trong khuôn viên Chùa Pháp Hoa, Phường
04, Quận Phú Nhuận, đến nỗi ruồi bâu ngay mép cũng chẳng buồn xua !
Nhưng lại có cái may là khiến được lọt vào "mắt nâu" của Sư Phụ Trụ Trì.
Ngài chân tình hỏi han tình cảnh cá nhân và hoàn cảnh gia đình. Tôi
chẳng phải quê gốc ở Quảng Ninh, nhưng nước mắt cứ tuôn dài theo từng
lời tỏ bày. Ngài khoan hoà nói:
-"Con vô bếp lấy cơm mà ăn, rồi coi có việc gì làm được thì làm".
Từ
đó, ngày ở, tối về, tôi là "nhân viên tả pín lù" của Nhà Chùa. Nói theo
"văn chương" thì gọi là "làm công quả". Chùa chỉ là một ngôi nhà cấp 4
xoàng xĩnh, trên lô đất rộng rãi được trồng cây ăn trái và hoa. Chỉ có
làm biếng mới không có việc để làm, còn làm siêng thì có khối việc như:
tưới cây (xách 2 thùng nước đi tưới), quét lá sân vườn và bửa củi. Những
Phật Tử lâu năm và có điều kiện thường cúng dường Nhà Chùa những miếng
ván bìa (loại được tách ra khỏi gỗ). Và ... mít non. Quý Tăng còn phải
xơi cơm độn với mít. Sư Phụ rất "bình dân". Chán nản với những thực đơn
mít kho, mít luộc của Bà Cụ đầu bếp. Miệng nói, tay làm, Ngài đích thân
chế biến cho cả Chùa cùng ăn. Cũng vẫn là mít non nhưng sao ngon lạ lùng
! Vào những dịp Lễ lớn, Chùa thường có nhiều hoa, những cô Phật Tử
thường trưng bày hoa, nhưng:
- "Tụi bay, là con gái văn minh, mà chưng bông không đẹp, không đúng ý tao !".
Ngài
lại ngồi xuống, tỉa tót từng cành hoa rồi cắm lấy. Mấy cô được dịp học
hỏi về Nghệ Thuật Cắm Hoa. Những điều đó, người ta gọi là Ngài có "huệ
nhãn", còn tôi thì chỉ có ... mắt thịt.
Thỉnh
thoảng, tôi cũng như các anh em khác được Ngài cho tiền để "cà phê,
thuốc lá". Tối về, tôi được Ngài cho ít cơm và trái cây:
- "Đem về cho con của mày."
Lũ
đệ tử chúng tôi có khi được gọi bằng con hay bằng mày, tuỳ theo ý thích
của Thầy. Nhưng khi được gọi là "ông" hay "bà" thì hãy mau chóng chuẩn
bị kỹ đầu gối để mà ... quỳ nhang. Khi tàn hết cây nhang, mới được phép
đứng dậy.
Tôi và Mẹ cháu bé:
"Anh đi đằng Đông, tôi đằng tây
Tình nghĩa đôi ta, chỉ thế thôi."
- "Con của nó, để lại cho nó.", Ông Ngoại của cháu nói, "Mày bám vào gia đình đó để mà chết đói cả lũ à ? Mày về, tao nuôi !"
Quả
đúng là sắp chết đói thiệt tình, vì Bố tôi - Cột Trụ chính của gia đình
- "được" Nhà Nước Cách Mạng cho đi học xa và dài ngày, nhưng không có
"đồng lương" để gửi về.
Khi cháu bé lớn hơn, lại có nhu cầu càng nhiều, tôi xa Chùa để bương chải kiếm tiền, chỉ về Chùa công quả vào các dịp Lễ.
HỒ XUÂN HƯƠNG.
Vào
mỗi chiều thứ 5 hằng tuần, Sư Phụ đăng đàn thuyết pháp, thuyết giảng về
Đạo Pháp, về ý nghĩa của những bài chú, nguyện ... nhưng vì bản tính
còn ngu độn, nên tôi chỉ nhớ có bấy nhiêu. BÀI TÂM KINH được viết bằng
Tiếng Hán Việt, tôi cố hết sức để dịch sang Tiếng Việt, nhưng chỉ dừng
lại ở mức độ này, không thể hơn. Tôi chỉ là Quỷ Chùa bé cỏn con. Bởi
vậy, Quý Vị nào chưa vừa ý, xin thỉnh giáo Những Vị Cao Tăng để có thể
lãnh hội Lẽ Nhiệm Mầu của BÀI TÂM KINH. Trong Bài Viết này, tôi chỉ có
mỗi một mục đích là để giúp vui cho Quý Vị.
Mỗi
Phật Tử chỉ có thể được Quy Y Tam Bảo một lần. Tôi đã Quy Y Bổn Sư Trụ
Trì Chùa Vĩnh Nghiêm Thích Tâm Giác và là Đệ Tử Nhu Đạo của Ngài, từ khi
là thằng lỏi. Những câu kinh, tiếng kệ thì nhiều, nhưng tôi chỉ thuộc
... có mỗi một câu "Nam Mô A Di Đà Phật".
Chính Bổn Sư Trụ Trì Chùa Pháp Hoa Thích Như Niệm là Vị Thầy Khai Đạo cho tôi.]
HỒ TUYỀN LÂM.
ĐẤNG
TẠO HOÁ quả thật có nhiều chiêu thức hết sức là bất ngờ, khiến cho anh
em chúng tôi chẳng biết đường đâu mà lần. LẼ VÔ THƯỜNG đầy dãy nhiệm màu
nào ai có thể đoán định trước được ? Tưởng rằng, sẽ được "no cái bụng",
ai ngờ lại thành ra "công cốc", tan biến nhanh theo làn gió thoảng ! Đã
quen với chuyện "vào sinh ra tử", "xem cái chết nhẹ tựa lông hồng", nên
Hùng và tôi trấn tĩnh được trước tiên. Tội nghiệp cho ba anh kia, cứ
"đứng như ông phỗng" ra vì tiếc của. Hùng chộp lấy vai của Vinh và Đẩu
kéo ngồi thụp xuống, tôi lôi Hậu. Sợ rằng, dù nói thì thào, nhưng gió sẽ
chuyển lời nói của chúng tôi đi xa hơn. Tuy Hùng nói khẽ nhưng giọng
của anh đanh lại:
- "ĐM ! Tỉnh hồn đi mấy ông tướng ! Tính bị thộp cổ luôn thì mới chịu hả ? Biến !".
Năm
anh em chúng tôi leo lên xe "căng hải", vội vàng đua nhanh. Còn hơn 12
km nữa, mới thật là an toàn. E ngại rằng, sau khi đã thoả mãn với "chiến
công", bọn Công An Kinh Tế và Thuế Vụ lại "tưởng nhớ" đến chúng tôi,
rượt theo và "làm gỏi" cho "trọn bộ". Xe "căng hải" làm sao đua lại xe
Jeep và Honda ? Thật là lạ lùng, có lẽ Ông Trời cảm thấy tội nghiệp
chúng tôi nên buông sương xuống càng lúc càng dày đặc thêm. Lúc đầu,
tiết Trời thật lạnh nợi đầu "Đường dốc quanh co 10 km", nhưng chỉ một
lúc sau, lại chẳng hề thấy lạnh ! Mà thay vào đó, mồ hôi hột đổ ướt đẫm
người, nhưng chẳng ai dám cởi bỏ bất cứ thứ gì đang đeo hay mặc. Tôi đã
bắt chước sáng kiến của Đại Bàng khi đóng quân ở Tỉnh Gò Công, đặt may
cho mỗi người một cái ruột tượng. Ngày xưa dùng để đựng gạo và có dây
cột, ruột tượng ngày nay thì văn minh hơn, được may đẹp và có chốt gài,
để chứa giấy tờ tuỳ thân và tiền dằn túi, đeo dính cứng vào người, áo
khoác trùm phủ bên ngoài, chẳng làm sao mà rơi mất được.
Đến
Madaguoil, chúng tôi nghỉ thở một lúc lâu, ráng tạo ra vẻ bề ngoài thật
bình thản, rồi lần lượt cuốc bộ qua khỏi Trạm, tiến về Hướng Phương
Lâm.
SUỐI VÀNG.
Đang cắm cúi cháp Hủ Tíu thì đột nhiên, một câu hỏi vang lên khiến chúng tôi cứng người và cứng ... họng:
- "Các bác là Dân Buôn hả ? Hề hề hề ...".
Hùng
từ từ ngước lên, còn tôi chậm rãi quay lại. Hai thanh niên đứng gần
chúng tôi, còn 5 hay 6 người nữa án ngữ ngay cửa. Quân Phục có đầy đủ
quân hàm, quân hiệu. Họ được trang bị đầy đủ AK và CKC và là lính thứ
thiệt, chứ không phải đồ dởm. Chúng tôi có muốn chạy thoát cũng chẳng
được, đành chịu trận và ... lì, "thử xem con tạo xoay vần đến đâu ?".
Tôi liếc mắt cho Hùng, nhưng không thấy anh có biểu hiện gì khác, nên
tiếp tục:
- "Mời Thiếu Uý với anh bạn đây cùng ngồi xuống đã nào".
Ba
người kia liền ngồi dạt sang một phía, để Hùng và tôi "tiếp khách".
Thiếu Uý và Thượng Sĩ cùng ngồi xuống, súng dựng sát người.
- "Hai vị dùng gì ? Bia nhé ?"
-
"Dạ, không ạ. Chúng em đang công tác, chả dám uống bia ạ. Các bác cho
chúng em uống thức gì nhẹ hơn là được ạ". Thiếu Uý vui vẻ lên tiếng.
Nét mặt của Hùng dãn ra, thoáng nở nụ cười. Sự việc diễn ra, không đúng như chúng tôi đã lo nghĩ. Anh mở lời:
- "Thiếu Uý cho phép mấy chú kia vào dây cùng ngồi. Bên ngoài, Trời còn đang lạnh".
Mặc dù chúng tôi không còn trong Quân Ngũ, nhưng vẫn quen gọi người khác theo cấp bậc.
THÁC PRENN.
Những
chai nước ngọt, nâu - vàng - xanh - đỏ được mang ra. Câu chuyện nổ như
bắp rang và kéo dần hai bên chúng tôi lại gần nhau hơn. Khói thuốc lá
bên trong quán toả còn mù mịt hơn sương giá bên ngoài. Thiếu Úy trình
bày một cách thẳng thắn:
- "Em tên là Hồng Lâu,
còn anh này là Trung Dũng, chúng em là Thủ Trưởng và Phó của Toán Tuần
Tra Canh Gác Vành Đai An Ninh của Doanh Trại. Có nhiều Toán khác nhau
như thế này. Nếu các bác đúng là Dân Buôn thì em có đề nghị "hợp tác làm
ăn - hai bên đều có lợi" ạ. Nếu các bác đặt hẳn lòng tin vào chúng em,
cứ giao hết hàng cho chúng em áp tải qua 3 Trạm của Tỉnh Lâm Đồng. Còn
không thì, chỉ một người trong các bác đi cùng chúng em, nhưng phải mặc
quân phục đầy đủ như chúng em, để tránh bọn nó nghi ngờ. Đảm bảo với các
bác, cách này rất an toàn ạ", quay sang tôi, "Dạ, thế thì không phải,
bác này nói giọng Bắc, quê ở đâu ạ ?".
- "Tôi quê gốc ở Hải Phòng, nhưng vào Nam lâu lắm rồi. Bắc Kỳ 9 Nút".
- "Bắc Kỳ 9 Nút là sao ạ ?"
- "Dân Bắc Di Cư Năm 1954 đấy".
-
"À ! Hề hề hề ... Bài ba lá, phải không ạ ? Chúng em toàn chơi Tiến Lên
thôi. Hề hề hề ... Hai đứa chúng em đây cùng Quê Hà Nam Ninh, ngày xưa
là Ý Yên, Nam Định đấy ạ".
- "Khỏi cần anh cho
biết quê quán ở đâu. Tôi chỉ cần nghe cách phát âm nhầm lẫn giữa L và N,
là có thể đoán biết được rồi. Tên của anh cũng hay đấy nhỉ ? Thanh sắt
được nung càng lâu lại càng đỏ, để xứng đáng là Thép Đã Tôi Thế Đấy".
Tôi
chỉ dám nghĩ thầm trong bụng thôi, chứ chẳng dám nói ra. Chỉ sợ anh ta
cảm thấy phiền lòng, mất vui. Chỉ mở miệng cười ha hả một cách thoải
mái. Hùng lên tiếng:
- "Chúng tôi thuận theo đề nghị của anh. Nhưng bao nhiêu lâu mới đánh quả một lần ? Giá áp tải là bao nhiêu ?".
-
"Dạ, mỗi nửa tháng một lần ạ, chúng em được Trên bố trí đi áp tải. Chả
là Doanh Trại có hợp đồng với Nhà Vườn ở Đà Lạt. Lương lính thì chả có
là bao, nên chúng em xoay xở, cải thiện ... ".
Sốt ruột, tôi cắt ngang "bài ca con cá".
- "Anh nói dứt khoát giá là bao nhiêu cho mỗi chuyến đi, cho chúng tôi còn liệu.".
E ngại sẽ đánh mất hoà khí giữa đôi bên, Hùng vội lên tiếng:
-
"Không sao. Chúng tôi hiểu mà. Do hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn nên
mỗi chúng ta đều phải có cách xoay sở cho bản thân và cho gia đình. Bao
nhiêu, anh cứ nói, rồi chúng ta sẽ thương thảo thêm. Chúng tôi có cơm
thì các anh có cháo. Chúng ta phải nương tựa vào nhau mà sống".
- "Dạ, thì là, thì là ... Chúng em xin các bác mỗi chuyến 5 chỉ ạ".
Tôi nghĩ thầm:
-
"Mấy chú này quả là không vừa. Không đề nghị bằng tiền đồng, mà bằng
vàng hẳn hòi cơ đấy ! 850 Mỹ Kim 1 Lạng (Ounce, năm 1982, nếu tôi nhớ
không lầm).
MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG ĐÈO.
-
"Chúng tôi xin ghi nhận thịnh tình và hảo ý của các anh", Hùng nói
tiếp, "Chúng tôi chưa thể trả lời dứt khoát ngay lúc này được. Vậy thì,
còn bao nhiêu ngày nữa, các anh mới có chuyến lấy rau ?".
- "Đúng 3 ngày nữa ạ", Thiếu Uý Hồng Lâu trầm tư một lúc, "Vâng ! Ngày kia !".
- "OK ! Chứ Hùng ?", tôi hỏi, Hùng khẽ gật đầu, "Thế, làm cách nào chúng tôi gặp được các anh ?".
- "2 ngày nữa, 3 giờ chiều, hẹn các bác tại đây. Chúng ta bàn kế hoạch một tỵ. Được chứ ?".
- "OK ! Y hẹn !".
- "Vậy, các bác sang Nhà Nghỉ bên kia đường nghỉ ngơi, chờ Trời sáng hẳn đã rồi hãy về Sài Gòn.".
- "Ồ không ! Thú thật là chúng tôi mới bị xạc hàng. Ra ngoài hiên quán, ngủ được rồi. Anh em chúng tôi bụi đời đã quen."
- "Ai lại thế ?", "Chủ quán ! Cho phép các bác đây nghỉ tạm trong này với nhé", "Chúng em chỉ quanh quẩn ở gần đây thôi ạ".
Như
tạm cất được gánh nặng ngàn cân, chúng tôi nằm dài dưới đất, ở một góc
quán, phía gần cửa, rồi ngủ vùi. Từ Madaguoil về Phương Lâm, bên tay
phải là nơi toạ lạc của một Doanh Trại Quân Đội.
NHÀ THỜ CON GÀ.
Chúng tôi về đến Sài Gòn là đến ngay những điểm thu hàng, những bao tải to bằng vải nylon màu xám, ghi chữ H2ĐTV, tên của 5 anh em chúng tôi, bằng thuốc đỏ, còn vứt lăn lóc ở dưới đất.
Anh Chị Ly, vợ chồng Chủ Thầu và vài Bạn Hàng quen biết thuật chuyện lại như đã kể trên.
Chúng tôi uất nghẹn, chứ còn biết làm gì.
MÙNG 05 THÁNG GIÊNG NĂM NHÂM THÌN.
THOMAS THANH NGUYENTU.
BÀI LIÊN QUAN:
http://thomasthanhnguyentu.blogspot.com/2012/08/tan-van-cuoc-hanh-trinh-tim-ve-ky-uc_5147.html
THOMAS THANH NGUYENTU.
BÀI LIÊN QUAN:
http://thomasthanhnguyentu.blogspot.com/2012/08/tan-van-cuoc-hanh-trinh-tim-ve-ky-uc_5147.html
No comments:
Post a Comment