Tuesday, August 14, 2012

GÒ CÔNG: ĐÓM SÁNG TRONG TIM (PHẦN V).


"XUNG PPPHHHOOONNNGGG !!!"

 
Nếu chỉ đề cập đến Đời Lính, mà chẳng nhắc gì đến Người Dân, thì quả là một sự thiếu sót lớn, trong khi "Quân từ Dân mà ra", "Quân với Dân như Cá với Nước. Bất kỳ một Giai Đoạn Lịch Sử nào cũng vậy, Nhà Cầm Quyền đều lấy Dân làm gốc, xem Dân là trọng. 

Vẫn còn đó Những Gương Sáng của Tiền Nhân: Đức Lê Thái Tổ - sau thời gian bị vây khốn tại Núi Chí Linh, binh thiểu, tướng ít, lương thực cạn kiệt - nếu không biết dựa vào Nhân Dân, làm sao Ngài có thể đánh đuổi Quân Nhà Minh để xây dựng Cơ Đồ ? Đức Quang Trung Hoàng Đế, nếu không có Nhân Dân đóng góp tài sức thì làm sao Ngài có thể tiến quân vào Nam để tiêu diệt Quân Xiêm La, kéo quân ra Bắc để đốn ngã âm mưu xâm lược của Quân Nhà Thanh, mang vinh quang về cho Đại Việt ? ... ... ... Và Những Nhân Vật Trong Bộ Tam Quốc - Một Quyển Sách Gối Đầu Giường - cũng thế, mặc cho quân của Tào Tháo đuổi gấp đến nơi, Lưu Bị vẫn không nỡ rời bỏ Lão Bá Tánh để thoát thân một mình ... ... ... Những gì mà tôi thực hiện chỉ là áp dụng những điều đã học vào cuộc sống thực tế, đồng cam - cộng khổ với lính và sống khoan hoà với Dân. Những Thuộc Cấp Thân Thương của tôi - ngoại trừ Ông Trung Đội Phó "Rớt Tú Tài, anh đi Trung Sỹ - còn phần đông vốn xuất thân từ Dân Quê "Đi Quân Dịch là thương Nòi Giống". 


Nét làm đỏm của họ chỉ dừng lại ở mức bịt răng vàng "cười lên đi, cho răng dzàng sáng chói !" và bôi Brillantine (một dạng dầu nhờn dùng cho tóc, có mùi thơm) lên đầu bóng loáng.
 - "Ông thử nghĩ coi, cấp (lúc, hồi) tui còn nhỏ, thường nấp trong tảng xê (hầm trú ẩn). Ở trỏng tối om, đèng dầu chập chờng, mần sao thấy gỏ chử mà học được ?" Hạ Sỹ Nhất Trần Văn Chim, Ti.Đ Trưởng Ti.Đ 2 tâm sự, "Tui lớng thêm chúc xíu thì đi chăng châu, cắc lúa mướng. Lớng bội (lớn nhiều) thì theo Dziệc Cộng hay theo Quốc Gia. Theo phía bên nào thì củng phải xa dzợ coong, mà theo Dziệc Cộng thì "năm thằng đeo hỏng gảy nổi cọng lá đu đủ" (Tranh Tuyên Truyền của Phe Quốc Gia). Đi lính Quốc Gia coòng có lương để dzề phép đưa dzợ coong."

Các anh thuộc Chính Sách "Người Dân Tỉnh Gò Công Đi Lính Để Bảo Vệ Gò Công". Tôi chỉ thuần tuý là "con mọt sách", ngoài ra rất ngu ngơ Việc Đời, nhất là Công Việc Đồng Áng, mà muốn thực hiện "Công Tác Dân Vận" được một cách hoàn hảo, thì phải rành rọt những điều này. Tôi phải nhờ cậy ai ? Thuộc Cấp ! Họ rất thông thạo và chỉ bày tôi nhiều việc. Tôi cũng xuống ruộng cấy mạ, cắt lúa nhưng chỉ làm trò cười cho Thôn Nữ, "Ổng lạch bạch giống coong dzịt bầu !". Ngày trước, mỗi thời vụ kéo dài 6 tháng. Thường khi, nếu không phải đi hành quân ngoại tuyến. Mỗi Đại Đội có "Lãnh Địa" riêng biệt và được phân định rõ ràng trên Bản Đồ Hành Quân, "Lãnh Địa" của Trung Đội cũng thế, "đi vào mà không gõ cửa" rất dễ bị "đạn của Phe Ta rót lên đầu Phe Ta". Tôi thường dẫn Trung Đội đi bảo vệ an dân ở những khoảnh ruộng giáp giới với Vùng Oanh Kích Tự Do. Sau khi rà soát những quả Bêta - (loại lựu đạn tự tạo bên trong lon cá hay lon sữa, là hỗn hợp của đinh sét, mảnh chai và thuốc nổ) được gài ngáng ngang đường, nếu vướng phải, nạn nhân không chết, chỉ cần bỏ ruột vô bụng, rồi vá lại hoặc bị cưa giò - và cắt đặt xong các chốt gác, tôi cho lính cùng xuống ruộng với Dân, hay mò cua, bắt cá - cá lóc đồng được xỏ thanh sắt xuyên ngang và bọc lại bằng đất sình, rồi quay quay đều trên ngọn lửa, sau một lúc, bóc lớp sình khô ra, miăm miăm ..., thịt cá ngon ngọt và thơm phức ! Hay cá kèo, chỉ cần biết cách đưa rổ rá đón đầu, thì từng đàn, chui đầy bao ! Đặc biệt vào Vụ Thu Hoạch, mấy tay Kinh Tài ở trong Bưng thường ra "Yêu cầu Đồng Bào đóng góp
!".              




TÌNH QUÂN DÂN NHƯ "CÁ VỚI NƯỚC".

 

Miền Trung như Chiếc Đòn để gánh Kho Thóc Miền Bắc và Vựa Lúa Miền Nam ở 2 đầu. Trong khi Kho Thóc Miền Bắc thường xuyên bị gánh chịu thiên tai ngập lụt thì Vựa Lúa Miền Nam hầu như "bình chân như vại", được Thiên Nhiên ưu đãi. Nên do đó, Dân Tộc Tính của Người Miền Nam - đặc biệt là Đồng Bào Thôn Quê - xuề xoà, giản dị, chân chất, thật thà và bộc trực, không "màu mè hoa lá hẹ", không cần "rào đón trước sau". Khi tôi được những Cô Bác lớn tuổi quý mến, họ gọi thẳng là "Thằng Hai", trong khi tôi là con trưởng của Bố Mẹ, là anh cả của lũ em.
- "Thằng Hai, xuống bếp lấy chéng ăng cơm đi coong."
- "ĐM mày Thằng Hai ! Mày coi thường Mấy Lão Già quê mùa tụi tao hả ? Uống gựu cho tới bếng luông chớ ! Uống cái đéo gì mà như thằng lằng uống nước cúng, dzậy hả ?"

Nếp Sống Làng Quê khép kín, bất cứ Gia Đình nào có Tang Ma hay Hôn Sự, không cần phải "gởi thiệp báo tin", cả Làng, cả Xóm đều tự động kéo nhau lại và xem là việc của chính mình, mỗi người một tay chia nhau vào việc. Và cũng là việc của tôi nữa, nếu không bận di hành, dã trại - cắt đặt lính canh gác, "đề phòng vẫn hơn - cẩn tắc vô áy náy !". Món Canh Kiểm - hỗn hợp của bí đỏ, khoai lang bí, đậu phộng, bún tàu, nấm mèo và nước cốt dừa - là món khoái khẩu, vì tôi vốn ... "hảo ngọt !" Món Thịt Heo Kho Tàu - thịt không được cắt từng miếng nhỏ và kho mặn như của Dân Miền Bắc - được cắt miếng nào, miếng nấy "bự tổ chảng", nằm vừa với cái bát ăn cơm và được kho thật nhạt chung với nước cốt dừa. Những hạt Nếp ngon được tuyển chọn kỹ lưỡng và được ủ trong những lớp men hảo hạng trong một thời gian nhất định, rồi được chưng cất lấy. Nước 2, Nước 3, hoà trộn với Nước 1 cho những ngụm rượu thật ngọt hậu, say đầm và không gây nhức đầu.

Tôi, dĩ nhiên, chằng phải là Ông Thánh Sống, có "cái tật" mà Quý Cô không thích, nhưng Quý Ông lại khoái là ... "cái tật thương người", trong một môi trường sống - "rày đây, mai đó - sống nay, chết mai" và "thà chết trên giường Mai, còn hơn chết trên vai Cánh Gà" ( Hoa Mai: Cấp Hiệu của Sĩ Quan từ Thiếu Uý trở lên đến Đại Tá - không có Thượng Uý hay Thượng Tá, Cánh Gà: Chữ V, Cấp Hiệu của Hạ Sĩ Quan từ Trung Sĩ đến Thượng Sĩ) - nên ... "có đất dụng võ". Tôi là "kẻ ăn xin", cô nào thương rồi cho thì lấy, chứ không phải "thằng ăn cắp hay ăn cướp !" 
 



CÁN BỘ XÂY DỰNG NÔNG THÔN. 

Mặc dù kết được sợi dây thân mến với Người Dân, nhưng tôi vẫn không dám đặt trọn lòng tin nơi họ, tuyệt đối giữ bí mật giờ giấc di hành và điểm đóng quân kế tiếp của mình. Vì thường bị Dân báo cho "Phía Bên Kia" bằng tín hiệu "Đèn Dầu". Nhiều lúc tôi phải thực hiện Kế Nghi Binh, kéo quân đi thật rềnh rang vào lúc chập tối, nhưng nửa khuya, bí mật bò trườn quay lại, có khi "gặp nhau, chào hỏi, tay bắt, mặt mừng thật đàng hoàng, lịch sự", có khi không. Chỉ khổ cho Người Dân "một cổ - hai tròng".

Nhưng vẫn không bịt miệng được Thuộc Cấp, có lúc Trung Đội đóng quân trong Rừng Thưa, thế mà Các Bà Vợ Lính cũng lặn lội tìm đến được, mà toàn cắt đường ruộng. Sau màn "Đu" cho ra vẻ Sĩ Quan Chỉ Huy, đành phải sắp xếp nơi an toàn hơn cho họ, để những chiếc võng ... dập dềnh trong đêm. Có khi tôi phải nhường chiếc võng Nhà Binh dày cộp, có tấm đắp may liền, của chính mình cho lính. Mặc dù được sự chấp thuận của Đại Đội Trưởng, với ý kiến đệ đạt của Trung Đội Trưởng, mỗi người Lính Địa Phương đều luân phiên được hưởng 3 ngày phép, thế mà ... vẫn không đã ! Thậm chí, họ nại đủ mọi lý do để xin được nghỉ phép thêm: "Ngày mai là Giỗ Kỵ của Ông Già Dzợ tui" (trong khi Ông còn đang sống.) "Ngày mai là ngày Bà Nội tui đẻ con so". Chỉ trừ khi có LỆNH CẮM TRẠI 100 % từ Đại Đội Trưởng thì mới thôi.






MÁY BAY RẢI TRUYỀN ĐƠN "TUNG CÁNH CHIM TÌM VỀ TỔ ẤM".

MỘT TRONG NHỮNG TỜ TRUYỀN ĐƠN.
Ảnh nguồn: Google.com 

 






"Lãnh Địa" của Đại Đội của chúng tôi xem như đã kiểm soát được 98 %,
- "Con trai của Dì Dượng đâu ?"
- "Nó đi mầng ăn xa." hay
- "Nó chết từ hồi nẳm gồi."
Chẳng ai kiểm chứng được !

Bởi thế, sau ngày 30/04/1975, Chính Phủ Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam đã rút được kinh nghiệm xương máu trong Công Tác Nắm Dân, "Sống thì phải khai trình được nơi đến." "Chết thì phải trưng được Giấy Khai Tử.".

Đại Đội của chúng tôi dần dần bàn giao Những Điểm Nguội lại cho Các Đơn Vị Nghĩa Quân (Dân Địa Phương được hoãn dịch vì Lý Do Gia Cảnh), có một anh nói mớ lúc đang say ngủ:
- "Đồng Chí ơi, khoang khoang, chờ tui đi họp dzới !"
Và Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn quản lý để đi hành quân ngoại tuyến xa hơn.

                                                                                                             
15/11/2011.
THOMAS THANH NGUYENTU.

BÀI LIÊN QUAN: 

http://thomasthanhnguyentu.blogspot.com/2012/08/go-cong-om-sang-trong-tim-phan-vi.html 

No comments:

Post a Comment