Wednesday, August 15, 2012

TẢN VĂN: CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM VỀ KÝ ỨC (PHẦN VIII / B)






MORSE SÉMAPHORE.




Nền Văn Hoá của Dân Tộc Việt Nam đã trải qua hơn bốn ngàn năm. Vì thế, Tiền Nhân đã để lại Một Bồ Chữ khổng lồ. Bởi thế cho nên, đã có thật nhiều Những Câu Ca Dao, Tục Ngữ. Mà đã nói đến Ca Dao là đề cập đến Niềm Tự Hào Dân Tộc. Ca Dao là Văn Chương Dân Gian đã dàn trải qua nhiều Thế Hệ, đã được sản sinh trong nhiều giai đoạn Lịch Sử, Xã Hội lúc bấy giờ và còn được bảo tồn và lưu truyền cho đến ngày nay. Câu nào còn tồn tại qua từng ấy thời gian, nên cũng đều đúng.

Mà vì đúng, nên chúng tôi mới "chết đứ đừ", bởi nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Như câu "Đi buôn có bạn - Đi bán có phường.". Khi đã có thâm niên hai năm ... buôn vụ. Mọi ngõ ngách, mánh mung, chúng tôi đều rành sáu câu ... vặn cổ bù loong. Mặc dù đã "ẩn náu" kỹ càng trên những chuyến xe lượt đi và lượt về, có khi 5 anh em đi trên 5 chuyến xe khác nhau. Thế nhưng, tại cả 2 nơi về và đến, chúng tôi đều tụ họp nhau lại cùng đi chơi và ăn nhậu. Sự thành công của cả nhóm chúng tôi lại làm "ngứa con mắt bên phải, xốn con mắt bên trái" của Bạn Hàng khác. Và tất nhiên, không tránh khỏi sự ganh ghét, đố kỵ và ... "đâm bị thóc, chọc bị gạo". Việc Đời thường có những diễn biến bất ngờ. Tôi tỏ ra thân thiết với anh, nhưng ngay sau đó, tôi sẵn sàng "bán đứng" anh. Chẳng qua vì mối lợi của riêng tôi hay của nhóm chúng tôi.

Một điều trớ trêu là, các cơ quan công quyền lại là sào huyệt của bọn tham quan - ô lại, bất tài vô dụng, chỉ biết ăn của đút, nhận hối lộ, nhưng luôn tự nhận mình là gương mẫu, trong sạch, là đại diện cho công lý. Những hàng hoá bị tịch thu - nếu được gom hết tất cả vào công khố của Nhà Nước - thì tôi dám chắc chắn rằng, Tổ Quốc Việt Nam đã giàu to "từ ngày xưa lâu lắm" ! Thế nhưng, số hàng hoá này lại được "cả cha lẫn con" xà xẻo, để mưu cầu lợi ích riêng tư. Lập biên bản nộp công khố thì ít mà tuồn ra ngoài thì nhiều.






BẮP CẢI ĐÀ LẠT.


Hùng và tôi đang thả bộ lơn tơn trên Cầu Đại Lào về hướng Ba Cây Nhang (ngày nay là Mỏ Khai Thác Đá, gần Thị Trấn Bảo Lộc) lúc Trời nhá nhem tối. Thường khi có Trạm Đột Xuất mật phục ở đây. Hậu ngồi trên xe tải rau theo hàng. Vinh và Đẩu đã đi trước dò đường. Gần như thành thông lệ, 5 anh em chúng tôi luân phiên cắt đặt 1 người theo hàng, để tránh sự quen mặt. Còn 4 người chia làm 2 cặp, cặp này đi trước cặp kia 250 m, cặp sau cũng cách xe tải 250 m. Liên lạc với nhau bằng đèn pin cổ cong "mết in tàu khựa", theo tín hiệu Morse Sémaphore.

Morse là một loại ký tự được mã hoá, thường được sử dụng để truyền thông tin điện báo. Mã Morse dùng một chuỗi đã được chuẩn hoá, gồm các phần từ dài và ngắn, để biểu thị các chữ cái, chữ số, dấu chấm và các ký tự đặc biệt của một thông điệp. Các phần từ ngắn và dài có thể được thể hiện bằng âm thanh, ánh sáng hay cờ hiệu. Thí dụ, I (tích tích), L (tích tè tích tích), O (tè tè tè), V (tích tích tích tè), E (tích), Y (tè tích tè tè), O (tè tè tè), U (tích tích tè). Ở đây, "tích" là tín hiệu ngắn, còn "tè" là tín hiệu dài.

Thì bỗng nghe tiếng la thất thanh ở phía trước:
- "Bớ người ta ! Cướp ! Cướp !".
Hai đứa chúng tôi vội vàng chạy bay lên phía trước. Một chiếc Honda 67 màu đen, thồ 3 bao hàng bự đang nằm kềnh trên mặt đường nhựa. Một người đàn bà đang vừa túm áo, xô đẩy, đánh - đá - đạp "không có một chiêu thức nào hết", "vô chiêu thắng hữu chiêu", một gã thanh niên, vừa la bai hải. Còn tên kia, cứ mỗi lần lồm cồm đứng lên thì bị xô ngã dúi dụi. Phụ Nữ khi lên cơn giận dữ, nét đẹp đâu chẳng thấy, chỉ thấy hiện nguyên hình là "một con sư tử cái". Không biết bốn chữ "Sư Tử Hà Đông" có được áp dụng cho hoạt cảnh này không ? Lúc bình thường, chắc chắn gã kia chỉ cần thụi nửa quả thôi sơn là chị ta gục xuống "dẹp lép như con tép" ! Lúc này nhìn chị ta, tôi bỗng nổi gai ốc cùng mình. Thấy chúng tôi xuất hiện, chị ta càng được thể, còn tên kia líu quíu tay chân. Vừa thở hổn hển trong "cơn nộ khí xung thiên" vừa mệt, chị ta thuật lại cho chúng tôi nghe:
- "Tui bị tụi thằng Vĩnh Thuế Vụ xạc hàng lúc ban chiều. Thiệt là đau đớn vì bao nhiêu vốn liếng bị mất sạch trong một lúc. Tui cùng đứa em gái lang thang, thất thểu từ Ba Cây Nhang lên tới đây. Gia đình chị Tám thương tình cho tá túc. Anh Quang, chồng chị Tám, rất rành cung cách làm việc của tụi Thuế Vụ và tụi Công An Kinh Tế. Ảnh biểu tui "rình canh me" ở đây, sẽ thấy hàng của tụi tui từ bên trong Công Ty Dâu - Tằm - Tơ chạy ra. Tụi nó cũng buôn hàng lậu mà ! Dzậy mà ăn cướp mồ hôi nước mắt của tụi tui. Thiệt là cái đồ ác ôn ! Đó, hai anh coi, trên bao rõ ràng có hai chữ N.A bằng mực tím, tên của tui mà ! Tui tên là Ngọc Ánh.".
Hùng không quên lia đèn về phía sau, ra dấu hiệu "Stop !". Hậu sẽ cho xe tải nấp vào một chỗ nào đó, và chờ tín hiệu tiếp theo. Nếu thời gian chờ đợi kéo dài lâu, thì coi như chúng tôi bớt lời, theo quy định của Nhà Xe, chúng tôi phải gánh chịu "tiền neo xe", để bù sự thiệt hại khi xe vào Bãi Rau ở Sài Gòn trễ. Gã thanh niên kia hùng hổ :
- "ĐM ! Tao là người nhà của Trung Uý Dũng đây ! Tụi bay thả tao ra, tao sẽ nói ổng tha cho tụi bay lần này. Nếu không thì rạc gáo nhe !".

Trung Uý Dũng là Trưởng của nhóm Công An Kinh Tế, thường đi công tác chung với nhóm Thuế Vụ. Công An được trang bị vài khẩu M 16 để đề phòng và trấn áp "Đám Con Buôn Nổi Loạn" vì bị xạc hàng. Bạn Hàng thường kháo nhau:
- "Hai vợ chồng Dũng sanh được một thằng con trai, tuy rất đẹp trai, nhưng lại không có "ngõ hậu". Vợ phải đưa con lên Bệnh Viện Nhi Đồng 2 (Bệnh Viện Grall cũ) để nhờ Bác Sỹ phẫu thuật khai thông "cổng hậu".
Chuyện này có thật hay không thì tôi không biết rõ. Nhưng trong tình huống lúc này, quả thật Dũng là thằng "ác ôn, côn đồ" thứ thiệt !. "Đời cha ăn mặn - đời con khát nước" là lẽ đương nhiên của Tạo Hoá. Hùng quay sang hỏi tôi:
- "Mày tính sao, Thành ?".
Tôi trả lời cộc lốc: "
- "Uýnh chứ sao ?".
Không phải chỉ đơn thuần là "giữa đường, thấy chuyện bất bình, ra tay nghĩa hiệp" mà còn vì chúng tôi rất ghét "cái bọn sâu dân hại nước" này, nhưng "giận cá, chém thớt", xuất kỳ bất ý, một cú đá thần tốc, mạnh mẽ được tôi phóng ra trúng ngay cằm tên kia - vì tôi đứng gần hắn hơn - khiến hắn ngã bật ngửa, lật ngang, nằm sóng xoài bất động gần chiếc Honda. Không cần để ý tới hắn, Hùng ra lệnh nhanh, gọn:
-"Thành ! Biểu xe lên. Chị Ánh, kêu em gái ra ngay, mình đi liền !".
Rồi bước nhanh lại tháo dây ràng, gỡ vội 3 bao Trà. Dân Buôn Trà, chẳng ai dạy ai, nhưng "kỹ thuật hành nghề" lại giống nhau. Xe đến, chúng tôi vội vàng chuyển hàng của chị Ánh lên và hộc tốc bươi móc rau để chôn hàng của chị. Hùng đứng bên ngoài cửa xe, phía người lơ ngồi và không ngớt lia đèn ra dấu hiệu "Triệu tập !" cho Vinh và Đẩu. Gần đến Miếu Ba Cô ở lưng chừng đèo, hai anh này xuống trước để tiếp tục dò đường. Gần đến Trạm Chính Madaguoil, cả bọn đều xuống xe lội bộ, chỉ còn mỗi Hậu theo xe, qua khỏi Trạm này, cả Trạm 142, Phương Lâm, Định Quán, rồi về thẳng Sài Gòn. Nửa khuya về sáng, thủ tục khám xét có vẻ sơ sài, chủ yếu là "thủ tục đầu tiên". Các xe tải rau đều có Giấy Phép Xuất Tỉnh, nhưng "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". 

Đoạn cuối đường đèo, khoảng 4 km, 4 nam 2 nữ cứ lầm lũi bước trong đêm, theo đội hình một hàng dọc, chẳng ai buồn hé miệng nói lời nào. Sương xuống càng lúc càng dày đặc thêm. Tiếng lá cây rì rào trong gió. Bên tay phải là vách núi đá gồ ghề, toả hơi lạnh. Rít hơi thuốc lá Apsara cuối cùng, tôi búng mạnh mẩu thuốc, đóm lửa vẽ hình cầu vồng, rơi xuống vực thẳm bên tay trái. Đến Madaguoil, chúng tôi thuê 3 chiếc Xô Em, lần lượt qua Trạm, rồi đón xe dù về Sài Gòn.                  




HONDA 67.


Trong khi chờ đợi Thủ Tục Xuất Bến, tại Bến Xe Miền Đông, Hùng từ phía xa chạy bay lại chiếc xe mà có tôi và Đẩu ngồi trên, anh cho biết:
- " Thằng Dũng đang ráo riết truy lùng thằng có đầu tóc bờm xờm như Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, có vết sẹo nổi trên gò má. Tụi bay cứ lên trước, tao đi hớt tóc rồi lên sau".
Thì ra, gã đã lãnh nhận của tôi một cú đá, chưa chết. Nhờ có ánh sáng le lói của đèn đường, đã nhận diện được Hùng, trước khi bất tỉnh nhân sự. Anh dể mái tóc dài bụi đời, chuyên mặc bộ đồ jeans trông rất phong trần, râu ria xồm xoàm, cộng thêm một vết sẹo dài khoảng 5 cm, do mảnh bom sượt ngang, lưu lại trên gò má trái, từ thời còn trong Quân Ngũ. Tất cả hoà quyện lại, tạo cho anh đậm chất nam tính ... đầy man dại. Hậu và Vinh "trấn thủ" chiếc xe ruột, đầy nhóc hàng của chúng tôi. Đẩu cùng tôi ngồi trên chuyến xe khác. Hùng trên chuyến xe khác nữa. Mỗi chiếc xe được quyền xuất bến cách nửa tiếng một lần.

Lên tới Bảo Lộc, sau khi bỏ hàng ở những mối quen thuộc, chúng tôi kéo về Khách Sạn Bích Trâm, gần bờ hồ, để chờ Hùng. Đến tối, vẫn chưa thấy anh lên tới. Sáng hôm sau, nhờ Bà Chủ chuyển lại tin nhắn cho anh, chúng tôi đón xe lên thẳng Đà Lạt, vẫn còn vài mối ở Chợ Hoà Bình. Chưa gặp được anh, chúng tôi chưa vội đóng hàng. Hùng rất "độc tài" trong "kế hoạch hành động" của mình, anh chỉ chấp nhận cho chúng tôi góp ý, chứ không cho quyền "tự tung - tự tác". Mặc dù công việc chỉ "vũ như cẫn", nhưng đôi khi, vẫn có gia giảm chút ít, tuỳ theo "sức hút của thị trường". Có chuyến toàn Trà, có chuyến kèm theo Cô Lô Phan hay Tơ Sợi. Anh rất xứng đáng là Một Vị Lãnh Đạo Chỉ Huy năng động và nhiệt tình. Trong khi "xoa tay khi tôi về nhà" thì anh xách chiếc Honda 72 rảo quanh các điểm đầu nậu ở Chợ Lớn, để dọ giá hàng. Kể cả Hậu là em ruột còn teo bougie, huống gì là chúng tôi. 

Đang khề khà lai rai tại Khách Sạn Nhà Hàng Quỳnh Hoa, đường Duy Tân, để trấn áp tiết Trời lạnh, thì Hùng vác cái đầu đinh, xồng xộc bước vào. Trông vẻ ngoài của anh đã thay đổi, chỉ còn ria mép nhưng tỉa gọn, cằm cạo nhẵn, chiếc kính Ruban sẫm màu đeo trễ trên sống mũi, chiếc áo khoác Nhà Binh của Mỹ bên ngoài, bên trong là chiếc áo thun màu mận chín, chiếc quần bốn túi bằng vải dù, bên dưới là đôi giầy mọi màu nâu.   



SÚP LƠ ĐÀ LẠT.



"Ly bia là đầu câu chuyện - Bia vào thì lời ra". Quá trưa, sau khi đã hớt tóc và tự trang bị vỏ ngoài xong, anh đi xe chuyền lên tới Phương Lâm thì Trời đã sụp tối, đành phải trọ lại, với lại còn nghe ngóng tình hình. Sáng sớm khi qua 3 Trạm đầu của Tỉnh Lâm Đồng, anh thả bộ nhàn tản như một khách du lịch, trong chiếc túi mà anh xách theo, chỉ có vài bộ quần áo. Tin đồn mà anh đã nghe được, không phải là "tin vịt cồ". Thằng Dũng cay cú vì bị Hùng và cả bọn chúng tôi "quật ngược thế cờ" nên quyết tâm tóm gọn. Khi đi ngang Trạm Ba Cây Nhang, Dũng cứ nhìn lom lom vào vết sẹo trên gò má trái của anh, nhưng không đúng với nhận dạng mà gã đệ tử mô tả, nên không bắt. Còn anh, cứ "tỉnh queo như ruồi".

Ghé Khách Sạn Bích Trâm, nhận được tin nhắn từ Bà Chủ, anh mượn điện thoại để liên lạc với Những Nhà Vườn thường đóng hàng, được biết là chúng tôi vẫn chưa đặt hàng. Anh đáp xe lam vào tận nơi và sửa lại quy cách, mỗi bao chỉ chứa 30 kg, thay vì 50 kg như lần trước, số lượng giảm. Và anh liên lạc với mấy cơ sở nuôi tằm tư nhân để đặt hàng Tơ Sợi. Cũng may là "mối ruột", nên anh được họ cho đặt hàng bằng ... nước bọt, hẹn khi lấy hàng, phải trả trước 2 / 3. Anh chỉ có ít tiền dằn túi. Xong xuôi, anh đáp xe lên Đà Lạt để hội tụ với chúng tôi. 

Chúng tôi được gần cả ngày để mà "dung dăng, dung dẻ" quanh Đà Lạt. Thác Datanla, Prenn, Thung Lũng Tình Yêu ... gần như thuộc lòng. Cảnh chỉ đẹp với những du khách. Còn đối với chúng tôi, ngắm Những Đoá Hoa Biết Nói Với Đôi Gò Má Hồng Đào Nhờ Tiết Trời Luôn Luôn Se Lạnh ... còn thích hai con mắt hơn ! "Vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ", tôi đi móc nối xe tải, rồi sẽ theo luôn xe đến điểm hẹn bốc hàng ở Bảo Lộc, rồi về hẳn Sài Gòn. Bốn người kia đã lên đường trước để chuẩn bị.    





ĐỒI TRÀ BẢO LỘC.



"Đi đêm mãi - Có lần gặp ma". Mặc dù, đã cẩn thận dò đường như mọi lần, nhưng chúng tôi đã "thấp trí - thua mưu" bọn thằng Dũng, Vĩnh. Bọn chúng đã rải "ăng ten" khắp các Nhà Vườn Bảo Lộc để quyết tâm thộp gáy chúng tôi cho bằng được ! "Ăng ten" chính là Những Bạn Hàng nghèo, ít vốn được hứa hẹn ban tặng phần trăm, trên tổng số hàng của chúng tôi và bảo đảm được mang hàng ra khỏi Tỉnh Lâm Đồng một cách an toàn. "Thiên la, địa võng" đã giăng khắp cùng Trời, cuối Đất. Ấy thế mà, chúng tôi cứ "vô tư" chui đầu vào rọ !

Xe tải của chúng tôi vừa lăn bánh ra khỏi Ba Cây Nhang để vào "hương đầu đèo". Chúng tôi hí ha hí hửng vì tưởng được vượt thoát an toàn. Nhưng không ! Ba loạt đạn bắn chỉ thiên bất ngờ vang lên phía sau. Tiếng máy xe Jeep và xe Honda vang lên trong hẻm núi. Chúng tôi nào có kính hồng ngoại để nhìn thấu bóng đêm, vào tận mấy cái hẻm núi. Bọn chúng đã mật phục từ bao giờ để bắt trọn ổ.

Hùng ra lệnh:
- "Bỏ của, chạy lấy người !"
Cả bốn anh kia, nhờ còn đeo bám hai bên cửa Cabin xe, nên thoát trước. Còn tôi, còn bị mắc kẹt bên trong thùng xe, bấn loạn tinh thần, lỡ bị tó thì kể như ... có quyền đếm tờ lịch qua ngày ! Thừa lúc, xe tải còn nặng nề quay đầu trở lại địa thế bằng phẳng, tôi len lén chui ra khỏi ô cửa tò vò, rồi nhào ngay vào bụi rậm ven đường.

Hùng, Hậu, Vinh đã chạy lúp xúp theo xe hàng. Chỉ còn Đẩu chờ tôi. Chúng tôi cũng chạy đến sau, nhưng chỉ dám quan sát từ xa. Lúc bình thường, các xe tải rau chỉ bị khám chiếu lệ, "thủ tục đầu tiên dày hay mỏng" mới là quan trọng ! Nhưng lần này, dưới sự chỉ huy của gã đã bị tôi tặng cú đá, câng câng cái bản mặt còn sưng vều, băng vài chỗ. Xe tải bị xạc hết rau xuống đất, bất kể rau dập ! Thế là chúng tôi trắng tay !

Dù tôi không muốn khóc, nhưng những hạt lệ nóng hổi, cứ tuôn tràn ra khoé mắt.





TÁCH TRÀ ÂN TÌNH. 

Sở dĩ có chuyện này, vì được bắt nguồn từ việc chúng tôi đã can thiệp vào chuyện của chị Ngọc Ánh. Nhưng thiết nghĩ, khi gặp đúng tình huống như vậy, bất cứ Đấng Nam Nhi nào còn ra dáng là Đàn Ông, cũng không thể nhắm mắt làm ngơ. Hùng và tôi hoàn toàn không hối hận ! 

"Đừng bắt chước hành vi và thói quen của Thế Giới này. Hãy làm cho mình luôn mới mẻ và khác biệt trong những điều con làm và suy nghĩ. Con sẽ học được từ chính kinh nghiệm của mình qua những điều giúp con thực sự hài lòng".
                                                                                 KINH THÁNH CÔNG GIÁO.

Trọng kính Chúa, con rất hài lòng với việc mà anh em của con đã làm, nhưng sao trong lòng của con cứ nhói đau, Chúa ơi. Amen.

25/01/2012.
MÙNG 3 THÁNG GIÊNG NĂM NHÂM THÌN.
THOMAS THANH NGUYENTU.

BÀI LIÊN QUAN: 

http://thomasthanhnguyentu.blogspot.com/2012/08/tan-van-cuoc-hanh-trinh-tim-ve-ky-uc_6900.html 

No comments:

Post a Comment