Wednesday, August 15, 2012

TẢN VĂN: CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM VỀ KÝ ỨC (PHẦN VIII / A).




NGÃ BA DẦU GIÂY - HUYỆN THỐNG NHẤT - TỈNH ĐỒNG NAI.
(PHOTO BY TÔ MỲ). 

Sau khi từ Nông Trường Trà - Cà phê Bảo Lộc - Lâm Đồng trở về Sài Gòn, tôi quay lại nghề nghiệp cũ mà "khả năng chuyên môn thành thạo" chỉ dừng lại ở mức "vai u - thịt bắp - mồ hôi dầu" để độ nhật. Nhưng "kỹ năng lành nghề" và "thâm niên" là Nghề Dân Biểu, Bác Tài Xô Xích Le. Rất lấy làm "tự hào và vinh hạnh" vì "cương vị" của tôi - trong bất cứ không gian, thời gian, thời tiết và khí hậu nào - luôn luôn cao hơn "thượng đế - khách hàng".

Đang ngồi lai rai giải sầu với Rượu Cây Lý, khô Cá Đuối và Hôvilô (hột vịt lộn) bên hông Chợ Tân Định, lúc chiều muộn, tôi bỗng giật mình và đau điếng bởi một cú vỗ vai như Trời giáng:
- "ĐM, Thành ! Mày làm cái đéo gì mà ngồi một mình ở đây ? ĐM ! Sang dữ ! Mày nhậu thịnh soạn quá dzậy ta !".
Không cần đợi tôi lên tiếng mời, Hùng tự động kéo ghế ngồi xuống, phía đối diện.
- "Chủ quán ! Thêm một xị nữa !".

Rượu Cây Lý là hỗn hợp của cồn và nước "lavabô đờ la phông tên" cùng các chất phụ gia "chỉ có Trời mới biết" được san trong những vỏ chai Xá Xị Con Cọp. Hùng cũng có xuất thân nhưng bảnh hơn tôi, anh là Chuẩn Uý Nhảy Dù. Thời gian "học tập trung miễn phí, bao luôn ăn ở" của anh dài hơn. Cũng chịu cảnh lưu đày nơi rừng thiêng nước độc, nhưng nhờ có Dượng là Dân Tập Kết cỡ bự, do sự thúc ép gắt gao của Dì ruột, đành "can đảm" đứng ra bảo lãnh cho anh được tha về sớm, nhưng bị bắt buộc phải rời khỏi Sài Gòn. Chúng tôi gặp và quen nhau ở Nông Trường, anh trở về Sài Gòn sau tôi vài tháng. Với bản tính bỗ bã của Con Nhà Lính "nơi đầu sóng, ngọn gió", "chốn ải địa đầu", anh quen "thói xài sang". Mọi lời nói của anh đều kèm "tiếng Đan Mạch", cho dù người đang lắng nghe anh nói là Giám Đốc Nông Trường.
- "ĐM ! Mày tính sao chứ cứ ôm cái xe xích lô, thì tới bao giờ đời của mày mới khá nổi ?".
- "ĐM ! Mày nói nghe hay dữ ! Tao còn biết làm nghề gì, ngoài cái nghề này ? ĐM ! Tao xin đi dạy học đếch lấy tiền công mà thiên hạ còn đéo nhận nữa là !".
- "Tụi mình cùng nhau đi buôn chui bán nhủi đi !".
- "Mày nói giỡn chơi hoài ! Mua bán cái gì ? Hàng trắng, cơm đen (xì ke, thuốc phiện) hả ? Mua bán mấy thứ đó, lỡ bị bắt thì tội này chồng lỗi kia thì tù mọt gông nghe con !".
- "Đéo phải ! Hồi còn ở Bảo Lộc, mày có để ý thấy người ta đi buôn đó không ? Trà, Cà Phê, Tơ Sợi, Cô Lô Phan (Nhựa Thông). Mấy thứ đó đẻ ra tiền ! Mà người ta làm được, tụi mình cũng làm được ! Mày với tao đâu phải đồ bỏ !".
- "Nói thiệt tình, tao đếch giàu thì làm đéo gì có tiền nhiều để đi buôn mấy cái dzụ đó !".
- "Không sao ! Tao chỉ cần mày đóng góp cổ phần 5 chỉ vàng, còn bao nhiêu, tao lo ! Tao sẽ rủ thêm 3 thằng nữa. Tao lãnh đạo chỉ huy nghe con ! 6 giờ chiều, 3 ngày nữa, gặp tao tại đây !".


RỪNG CAO SU.

Tôi về nhà và xoay sở đúng như anh đã nói và có mặt y hẹn. Ngoài 2 đứa chúng tôi, còn có Hậu (em trai kế của anh), Vinh và Đẩu. Sau màn chào sân, 5 đứa chúng tôi bàn "kế hoạch hành động". Trong thời gian này - năm 1980 - lệnh "ngăn sông cấm chợ" vẫn còn hiệu lực, nên những mặt hàng kể trên chỉ cần được mang thoát khỏi Tỉnh Lâm Đồng là kể như "trúng mánh - đời ta huy hoàng". Nếu Dân Buôn bị bắt trong phạm vi Nội Tỉnh thì "bể mánh - đời ta điêu tàn", "tu huyền" và bị "tịch thu tang vật". Ngoài Tỉnh Lâm Đồng thì chỉ bị đóng thuế, bớt lời.
Có lẽ, tôi có mức đóng góp cổ phần ít nhất trong cả nhóm, nhưng Hùng tế nhị, không nói ra. Tôi răm rắp tuân theo mọi sự sắp xếp và thỉnh thoảng, làm "quân sư quạt mo" cho anh.

Để kết hợp hàng 2 chiều, chúng tôi túa ra đi thu gom ở các chợ An Đông, Tân Bình, Chợ Cũ, Khu Dân Sinh ... quần áo jeans Textwood (dởm), áo thun Horse (có nhãn hình đầu ngựa, cũng dởm luôn) và thuốc tây. Dạo đó, mặt hàng thuốc tây còn khan hiếm, bệnh nhân đi khám bệnh tại các bệnh viện, cho dù bị bệnh nhức đầu, sổ mũi, đau bao tử, hay bất cứ chứng bệnh chi chi cũng đều ... Xuyên Tâm Liên ! Thậm chí, bệnh nhân cần dịch truyền (Nước Biển / Sérum), nước trái dừa Xiêm cũng được luôn ! Nhờ mối lái tại Chợ Tân Định, nên anh em Hùng Hậu thâu được những thuốc đặc trị từ Nước Ngoài gửi về. Tôi được giao nhiệm vụ "bắt giò, bắt cẳng" với Nhà Xe.

Xe Tây, Nhật, Mỹ được chuyển đổi thành xe Liên Xô, vì phải xô liền liền mới chịu nổ máy mà còn cõng theo bình than ế cùm cum ở đằng đuôi, suốt chặng đường, phải dừng lại nhiều lần để thay than, trong khi chờ đợi, hành khách có quyền nói Tiếng Tàu, còn biết nói chuyện gì ngoài chuyện ... tào lao trong khoảng thời gian dài đăng đẳng ? Đi buôn trên mấy chiếc xe này thì coi như "bà hú" sớm ! Nhân Viên Thuế Vụ và  Quản Lý Thị Trường thường mở những trạm kiểm tra đột xuất trên những chiếc xe Jeep. Chỉ còn vài chiếc xe Ford 15 chỗ là vẫn chạy bằng xăng hẳn hoi, nhưng đã có sự thông đồng giữa Nhà Xe và Bến, nên rất khó mua vé xe cho ưng ý. Thường thì Dân Buôn quen biết, cứ tự tiện lên xe ngồi trước, miễn sao khi xe xuất bến, mình vẫn có vé đàng hoàng, và tiền vé xe có mắc hơn, thì ráng chịu, chớ kêu ca. Nếu mở miệng than vãn, thì đừng hòng làm "bạn hàng ruột" của Nhà Xe trong lần sau !

Bến Xe Miền Đông - ở vị trí hiện nay - còn đang trong giai đoạn mở mang. Chỉ có vài tuyến đường được chuyển từ vị trí Bến Xe Lê Hồng Phong - Ngã Bảy về đây trước. Mặt đất vẫn còn lồi lõm, nước đọng, rác thải phủ đầy. Nhờ "kết nối thân tình" bằng cách bỏ chút công rửa xe, phụ với Bác Tài những chuyện vặt vãnh, nên tôi được Bà Chủ - Phu Nhân của Thiếu Tá Sư Đoàn 18 Bộ Binh đang Hấp Tẩy Cạo Thổi - ưu tiên cho dấu hàng trong những ngóc ngách kín đáo của chiếc xe. Nếu bị khám xét, chỉ những mặt hàng nào bị lộ mới bị "xạc". Nhưng nói chung, xui lắm mới bị "xạc", thường khi các Trạm Thuế đều có "ăn chịu" với Nhà Xe nào chi đẹp.


CHỢ PHƯƠNG LÂM - TÂN PHÚ.
(NGUỒN: GÚ GỒ CÒM).



Xe từ từ lăn bánh, rồi bon bon trên Quốc Lộ 1 A, rời Sài Gòn theo Hướng Đông Bắc. Đến Ngã Ba Dầu Giây - Huyện Thống Nhất, rẽ trái vào Quốc Lộ 20, xe chạy thêm 120 km nữa thì đến Huyện Bảo Lộc. Quang cảnh ở 2 bên đường thay đổi trông thật vui mắt, rừng Cao Su, Nhà Bè trên Sông, Đá Ba Chồng, rừng Giá Tỵ. Đoạn đường thuộc Tỉnh Đồng Nai dài 74 km, qua Các Huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú. Trạm Thuế Vụ Phương Lâm, Huyện Tân Phú, là Trạm cuối cùng thuộc Địa Phận Tỉnh Đồng Nai. Các Đơn Vị Quản Lý Thị Trường và Thuế Vụ làm việc có vẻ hoà hoãn, cộng thêm "tính quảng giao rộng rãi" của Bà Chủ Xe. Bên kia Địa Giới là Huyện Madaguoil (Đa Huoai), toạ lạc phía Tây Nam của Tỉnh Lâm Đồng, cách Thành Phố Ngàn Hoa Đà Lạt 155 km, về phía Đông Bắc. Trước khi vào Tỉnh, lại phải qua Trạm. Dù cả 5 đứa chúng tôi ngồi cùng trên 1 chiếc xe, nhưng phải giả bộ như người xa lạ, chẳng may bị "quả tó", vẫn phải "mặt lạnh như tiền". Từ từ Người Thoát Được sẽ cứu ứng Kẻ Mắc Kẹt. Nhân Viên Thuế Vụ của Trạm và trên cả tuyến đường này có "trí nhớ dai khủng khiếp", Dân Buôn nào mà chẳng may bị vớ được, dù là Nam hay Nữ, cả quần áo lót, bọn chúng cũng lột sạch ! Rồi xe được phép chuyển bánh. Đường càng lúc càng lên cao. "Đèo Bảo Lộc: Đường Dốc Quanh Co 10 km". Dân Buôn chớ tưởng bở ! Ngay lưng chừng Đèo, chỗ tương đối bằng phẳng, 1 Trạm Thuế Vụ thoắt ẩn thoắt hiện tại Miếu 3 Cô. Qua khỏi đấy 1 quãng, "hương đầu đèo", là Trạm Ba Cây Nhang. Xe vào Tỉnh Lâm Đồng, qua Những Huyện Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Đèo Prenn, rồi vào Thành Phố Đà Lạt. Cảnh vật cũng đổi khác những đồi Trà, Cà Phê bạt ngàn, Rừng Thông mênh mông, ngút tầm mắt.




ĐÈO BẢO LỘC.
(ĐƯỜNG DỐC QUANH CO 10 KM).



Đến Thị Trấn Bảo Lộc, chúng tôi đều xuống, để bỏ mối một ít hàng quần áo và thuốc Tây (thường là gối đầu, không bao giờ họ trả tiền hết cả một lượt cho chúng tôi), rồi đặt hàng Trà ở các chủ vườn tư nhân, Hậu và Vinh sẽ ở lại để hoàn tất "công đoạn đóng" Trà. Riêng tôi, sẽ lên Đà Lạt trước để thi hành một nhiệm vụ khác: móc nối xe tải chở rau cho lượt về. Trưa hôm sau, Hùng và Đẩu sẽ gặp tôi tại Quán Cà Phê Thuỷ Tạ. Các xe tải thường "ăn" rau tại Khu Nhà Vườn Đường Phù Đổng Thiên Vương, gần "Thành Phố Bình Yên" (Nghĩa Trang). Trong khi chất rau lên xe tải, Bác Tài cùng lơ xe có tôi phụ giúp, chừa một hộc trống, sau khi chất những bao Trà lên, chỉ cần gõ nhẹ những cây chống, Bắp Cải, Choux Fleurs sẽ đổ ụp xuống "chôn" cả Trà. Thường khi, các xe tải chở rau rời Đà Lạt vào buổi chiều để đến Sài Gòn khoảng 5 giờ sáng.  


TRÀ 1 BÚP 2 LÁ.

Búp Trà là đoạn non của một cành Trà. Búp được hình thành từ các mầm dinh dưỡng khác nhau, gồm có tôm (phần lá non ở trên đỉnh của cành chưa xoè ra) và hai hoặc ba lá non. Búp Trà trong quá trình hình thành sinh trưởng, chịu sự chi phối của hai yếu tố: ngoại lai và nội tại. Kích thước của búp tuỳ theo từng loại giống và liều lượng phân bón, kỹ thuật canh tác như: cách đốn, hái, tưới nước, phun thuốc trừ sâu ... và thổ nhưỡng nơi trồng trọt.             

Trà được hái đúng cách "một tôm, hai lá - một cá, hai chừa", khi phơi khô, cánh săn nhỏ và cong vòng như cái móc câu, có một màu mốc đặc trưng. Ta chỉ cần cho một nhúm Trà khô vào lòng bàn tay, rồi hà hơi của mình vào thì Trà sẽ toả lên mùi hương ngầy ngậy. Nhúm một vài cánh Trà, cho vào miệng nhai thử, Ta sẽ cảm nhận được vị chát, bùi, ngọt đậm đà. Nhả bã ra, chỉ cần lấy ngón tay cái và ngón trỏ bóp nhẹ, sẽ thấy nước tuôn ra như nước Trà tươi, còn bã xanh dờn.

Nước Trà thường xanh màu sáng, xanh nhạt hơi vàng. Loại chất lượng kém thường có màu đậm, gần nâu. Trà khô thường được ướp hương Hoa Sen, Hoa Lài hay Hoa Ngâu để làm tăng thêm hương vị. Những Đại Gia thường cầu kỳ hơn, ướp Trà bằng hương Hoa Thủy Tiên, để tạo mùi thơm rất dễ chịu và quý phái.

"XIN MỜI BẠN DÙNG TRÀ".

Chúng tôi thường "đóng" Trà tại Xã Lộc Phát, Thị Trấn Bảo Lộc. Trà khô được cho vào các bao giấy xi măng loại to, mỗi lần 5 kg. Sau khi được cân xong, Trà sẽ được trải đều ra nền xi măng và phun sương nước lã bằng loại bình xịt nước để là / ủi quần áo. Khi cánh đã ỉu xìu (khoảng 10 phút), Trà được cho lại vào bao. Bao sẽ được đặt dưới con đội, thường dùng để kích xe tải, để nén lại thành từng bánh. 10 bánh = 50 kg. Khi về đến Ngã Bảy - Sài Gòn, Trà được vận chuyển thẳng vào "bãi đáp an toàn". Dọc theo hai bên đoạn đường Lý Thái Tổ, cho đến Bệnh Viện Nhi Đồng 1, là những phòng trọ bình dân. Nơi trấn nhậm của Các Chủ Thầu Trà, Cà Phê, Tơ Sợi, Cô Lô Phan. Bánh Trà được tháo tung ra, phơi khô rồi cân ký.

Tổng số tiền thâu được, sau khi đã trích ra đồng vốn, dành cho chuyến sau. Trong số tiền lời, trừ hết mọi khoản chi tiêu: vé xe, ăn, ở ... Số còn lại được chia đều cho cả 5 anh em chúng tôi.

                                                                                                                
21/01/2012.
28/CHẠP/TÂN MÃO.
THOMAS THANH NGUYENTU.
 
BÀI LIÊN QUAN:  

http://thomasthanhnguyentu.blogspot.com/2012/08/tan-van-cuoc-hanh-trinh-tim-ve-ky-uc_15.html

No comments:

Post a Comment