Wednesday, August 15, 2012

TẢN VĂN: CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM VỀ KÝ ỨC (PHẦN IX).
























COMBAT HELMETS OF THE 20th CENTURY -
PHOTO BY: 
MANNIE GENTILE.
Hát: 
"Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này. Bây giờ anh ở đâu ? Bây giờ anh ở đâu ? Còn trên đời này, đang xông pha đèo cao dốc thẳm, hay đã về bên kia phương Trời miên viễn chiêm bao. Trên đầu anh, cái nón sắt ngày nào ấp ủ, mộng mơ của anh, mộng mơ của một con người ..."

Từ giã nếp sống thư sinh, tôi khoác lên người bộ quân phục màu ô liu, diện mái tóc húi cua 3 phân, và có hai người bạn bất ly thân là EM (Carbin M 2 hay M 16) và cái nón sắt. Dây trang sức là sợi dây đeo thẻ bài, bất cứ lúc nào cũng nằm quanh cần cổ. Trong những ngày đầu thụ huấn Giai Đoạn I tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung - Hóc Môn, tôi luôn cảm thấy bức rức khó chịu vì cứ phải đội "cái thứ mắc dịch, nặng chình chịch" ở trên đầu, do ảnh hưởng của Kỷ Luật Thép trong Quân Đội. Không được tự ý làm bất cứ những gì mình muốn và cả không được quyền giận dỗi. Lúc còn ở nhà, thỉnh thoảng tôi áp dụng "chính sách tuyệt thực bất bạo động" theo kiểu Thánh Gandhi con thì Bố Mẹ "teo" ngay. Nhưng trong Quân Trường mà áp dụng chính sách này thì chắc chắn bị nhận thêm hình phạt cho đến khi đói lả.

Chiếc nón sắt bất cứ lúc nào cũng chễm chệ ở trên đầu (lúc đi, đứng), hoặc ở cạnh đầu (lúc nằm gối lên trên), hay thay bàn viết (lúc kê giấy để viết Tình Thư Của Lính), nhưng cũng có khi lại ở ngay dưới "bàn toạ" (lúc kê để ngồi).
Chiếc nón sắt có hai lớp, lớp ngoài cùng - dĩ nhiên - được chế tạo bằng sắt và lớp bên trong, được chế tạo bằng nhựa cứng, có gắn kèm lớp vòm bằng dây vải dù, dẹt và có thể điều chỉnh vòng ôm cho vừa khít đầu. Có đỡ được đạn hay không, thì trong Quân Trường, tôi không được biết, nhưng đỡ được ... đòn. Có một lần, Đại Đội Khoá Sinh của tôi được giao trực gác vành đai an ninh bên trong và cổng sau của Trung Tâm Huấn Luyện. Thiếu Uý Đại Đội Phó bỏ đi tìm chỗ ngủ, giao cho mình tôi gác. Mặc dù đang trong tư thế đứng, súng M 16 chống xuống đất, tựa vào bắp đùi, tay phải vẫn giữ chặt nòng súng, thế mà tôi nhắm tít hai "cửa sổ linh hồn" để thả hồn "theo gió cùng trăng". Bỗng giật mình tỉnh ngủ vì tiếng quát của một vị Đại Uý, Cán Bộ Cơ Hữu. Ông đi nhậu về khuya, tự động mở cổng, đẩy barrière, dắt xe vào mà không có ai hỏi thăm, nên Ông "hỏi thăm sức khoẻ" của tôi. Sau màn trình diện cho đúng với Lễ Nghi Quân Cách:
- "Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan Nguyễn Tự Thành, Số Quân ........., Danh Số ........., thuộc Đại Đội Khoá Sinh ......., Tiểu Đoàn ............, Liên Đoàn B, trình diện Đại Uý, chờ lệnh !".
Sau màn giảng mô ran, trong giọng lè nhè của gã xỉn, Đại Uý móc lấy khẩu Colt của mình, lấy báng súng gõ nhịp lên nón sắt của tôi - vẫn trong tư thế nghiêm - như Thượng Toạ Thích Nhậu Xỉn gõ mõ !  

Nói: 
"Ôi, có khác chi mây Trời hiền hoà, khác chi bốn mùa êm trôi. Có tiếng cười thuỷ tinh của vài đứa trẻ và hơi ấm vòng tay ôm của một người vợ hiền, phải thế không anh ? Bây giờ, bây giờ trong cái nón sắt của anh để lại bên bờ lau sậy này, chỉ có một con ễnh ương mượn vũng nước mưa đọng trong đó, làm hồ trong cái nón sắt của anh. Bây giờ vẫn còn đủ Trời, vẫn mây hiền hoà trôi, và bốn mùa vẫn về. Xuân muôn thuở dịu dàng, Đông rét lạnh. Thu khi xám buồn, khi rực vàng nắng quái. Hạ cháy lửa nung Trời ...". 

Từ đó, tôi lập tâm trả thù, cứ mỗi lần Đại Đội của tôi có dịp canh gác vòng đai an ninh mặt sau, tôi thường đề nghị trao đổi với Đồng Đội để được gác cổng. Ai cũng khoái và sẵn sàng nhường ngay, vì trực ở các chốt gác khác mới có thể ngủ gục. Rồi tôi có cơ hội để trả thù, gặp đúng "cố nhân". Thực hiện theo Quân Lệnh một cách nghiêm ngặt, yêu cầu "đối tượng" xưng rõ họ tên, cấp bậc, đơn vị, rồi đi bộ tiến về hướng chốt gác, xuất trình giấy tờ, lùi xa 3 bước. Từ lúc gặp "cố nhân", khẩu súng của tôi luôn nằm ngang, họng súng hướng thẳng về phía trước, chỉ cần dùng ngón tay cái gạt nhẹ khoá an toàn, ngón trỏ bấm vào cò súng, đạn sẽ bay ra khỏi nòng. Đại Uý nhất nhất làm theo khẩu lệnh đanh thép của tôi, không nói nửa lời. Sau khi Ông dẫn hẳn xe vào và đóng cổng, tôi đổi hẳn thái độ, súng hạ xuống đất và đứng nghiêm. Mặc dù đã nghe tôi trình diện nhưng Ông móc túi áo trái, lấy ra quyển sổ nhỏ, hỏi lại rõ ràng và ghi tên tôi vào đấy. Đến lượt bụng của tôi "đánh lô tô" vì lo lắng. Nhưng không, sáng hôm sau, tên của tôi được biểu dương trên loa phóng thanh, và tôi được nhận tờ giấy "24 Giờ Phép" từ Tiểu Đoàn. Đại Uý tên Nho hay Nhu.    

Hát: 
"Trong cái nón sắt của anh, Mặt Trời vẫn còn đó ban ngày và ban đêm, Mặt Trăng hoặc muôn muôn triệu triệu vì sao vẫn còn đó. Tất cả vẫn còn đó, vẫn còn đó ... Nhưng, anh bây giờ, anh ở đâu ? Con ễnh ương vẫn gọi tên anh trong mưa dầm, tên anh nghe như tiếng thở dài của Lòng Đất Mẹ. Dạo Tháng Ba, tên anh lẫn trong tiếng sấm đầu mùa mưa, nghe như tiếng gầm phẫn nộ đến từ cuối Trời. Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt bên bờ lau sậy này. Anh là ai, anh là ai, anh là ai ? ./."
                                 CÁI NÓN SẮT - HOÀNG TRỌNG - DẠ CHUNG.
               NHẠC PHẨM TRONG PHIM: NGƯỜI TÌNH KHÔNG CHÂN DUNG.

Hoàn tất Giai Đoạn I tại Quân Trường Quang Trung, Khoá 6/73 SQTB của chúng tôi được chuyển ra Quân Trường Đồng Đế - Nha Trang bằng xe GMC, để thụ huấn Giai Đoạn II. Ngoài những tác dụng như đã vừa kể, chiếc nón sắt không còn phát huy thêm tác dụng nào nữa. 
Nhưng cho đến khi tôi đã ra Đơn Vị Tác Chiến, mới thấy được hiệu quả trong vai trò của "anh ấy" là che chở "hũ chao" của tôi. Du Kích VC ở 2 vùng mà tôi đóng quân là Tiểu Khu Gò Công và Tiểu Khu Định Tường, rất đam mê "trò chơi Thời Con Trẻ" là bắn ná thun. Quả lựu đạn được rút chốt an toàn, quấn quanh bằng sợi dây lạt dừa, rồi bắn đi. Vằn ná được một người giữ chặt, người khác ôm cứng người vừa nãy, còn một người nữa kéo thật căng dây thun, cắt từ ruột xe hơi, và bắn đi. Khi lựu đạn phát nổ, bắn tung miểng úp chụp xuống, và gõ lên nón sắt của tôi theo "nhịp điệu rất vui tai". Trong những lần khác, "anh ấy" dùng phép "lăng ba vi bộ" hất những viên đạn ra khỏi "hũ chao" của tôi. Nhưng nếu viên đạn được bắn thẳng vào "anh ấy" theo một góc chín mươi độ, thì chắc chắn "anh ấy" cũng "potoanthan chấm cơm", để mặc cho viên đạn quái ác khui "hũ chao" của tôi rồi. 

Chỉ trong những lần xuất kích vào ban đêm, tìm và diệt, chúng tôi mới chịu rời khỏi chiếc nón sắt của mình. Chứ đội nón sắt để cành cây mặc sức va đập, như Quý Sư gõ "lóc cóc leng keng" lên chiếc khánh, thì chẳng khác nào "lạy ông, tôi ở bụi này". Thay vào đó là những chiếc mũ vải rộng vành.
Chiếc nón sắt còn được phát huy thêm tác dụng nữa là: làm gáo để múc nước tắm, thau đựng đồ (đồ ăn, quần áo dơ, lung tung xèng), và cũng có khi được dùng làm "vũ khí cận chiến" để đánh nhau với người của Đơn Vị khác.    


Nhưng tôi yêu nhất những chiếc nón sắt ở điểm có thể thay cho những cái tô để đựng cơm, canh cùng thức ăn mặn, khi Đơn Vị di hành từ điểm này sang điểm khác, để đạt yếu tố thời gian cần thiết. Đỡ khổ khi Trời nắng, nhưng khi Trời mưa, nước lõng bõng thay canh "đại dương", chúng tôi vẫn phải nuốt và húp.
Chúng tôi tuyệt đối không dùng nón sắt thay nồi để nấu thức ăn. Nhiệt lượng có thể làm biến đổi cấu trúc kim loại và giảm sức chở che hộp sọ. Chẳng ai dám liều với sinh mạng của chính mình vì những chuyện ngớ ngẩn. Nói đúng ra, vì chúng tôi có cơ hội để sống chung với Người Dân, nên có thể mượn nồi mà nấu nướng.

Bây giờ mặc dù hình ảnh của người lính trong bộ quân phục, đội nón sắt, trang bị Colt 45 và M 16, mang đôi giầy lội, vai khoác ba lô đã thực sự rời xa trong thực tế, nhưng vẫn để lại trong tôi những kỷ niệm ngọt ngào và êm đềm mỗi khi hồi tưởng. Nhớ Những Đồng Đội Xưa, có những người "đã để lại cái nón sắt bên bờ lau sậy này". 




PHOTO BY: LE KIM.
 "THE OLD SOLDIERS NEVER DIED, THEY JUST FADED AWAY".
(MAC ARTHUR).


03/03/2012.
THOMAS THANH NGUYENTU.



 BÀI LIÊN QUAN:


                                                              

No comments:

Post a Comment