Saturday, July 7, 2012

TẢN VĂN: CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM VỀ KÝ ỨC (PHẦN VII / C).

HÒN KHÔ (NGÀY TRƯỚC, ĐẶT NGAY KHOẢNG GIỮA VÀ LƯNG CHỪNG NÚI, MỘT BỨC TƯỢNG BẰNG ĐÁ TRẮNG MANG HÌNH DÁNG MỘT NGƯỜI LÍNH THUỶ QUÂN LỤC CHIẾN TRONG TƯ THẾ NGHỈ, ĐƯỢC RỌI HẰNG ĐÊM BỞI HAI NGỌN ĐÈN PHA THẬT LỚN, SÁNG QUẮC CẢ MỘT GÓC TRỜI, CÓ THỂ NHÌN THẤY TỪ XA). HAI CÂU THƠ : "ANH ĐỨNG NGÀN NĂM THAO DIỄN NGHỈ - EM NẰM XOÃ TÓC ĐỢI CHỜ ANH"ĐƯỢC LƯU TRUYỀN.

Minh Thảo Yêu Dấu,

Giống như nhiều địa danh "nơi đầu sóng - ngọn gió", dài theo Vùng Duyên Hải của Quê Hương VIỆT NAM chúng ta, như Hải Phòng (Nơi Chôn Nhau Cắt Rốn của anh), Vũng Tàu (còn được gọi là Le Cap De Saint Jacques, các con của Bố Mẹ anh thỉnh thoảng được ra nghỉ mát vào cuối tuần), Quảng Ninh, Đà Nẵng, Kiên Giang, Cà Mau ... ... ..., Thị Xã Nha Trang - Tỉnh Lỵ Khánh Hoà - là một thành phố có ... biển. Trước khi trở thành một phần đất của Việt Nam, Nha Trang thuộc về Vương Quốc Chiêm Thành. Nơi đây, nhiều Di Tích của Người Chăm vẫn còn "trơ gan cùng tuế nguyệt", như Tháp Bà - bên Cầu Xóm Bóng - Thần Ponagar (tượng trưng cho Sắc Đẹp, Nghệ Thuật và Sự Sáng Tạo) được thờ phụng nơi tháp chính; ở các tháp phụ, thờ Thần Siva, Thần Sanhaka và Thần Ganeca. Hằng năm, cứ vào tháng 03 Âm Lịch, Khách Thập Phương thường hay tề tựu về đây để cử hành trọng thể Lễ Bái chính thức.
Trên cạn, có Nhà Thờ Đá, Chùa Long Sơn, Chùa Hải Đức, Chùa Bửu Phong, Xóm Bóng, Chợ Đầm, Nhà Ga Xe Lửa, Phi Trường, Hải Cảng, Hải Học Viện, Khu Phố Tây ... ... ... và Biệt Thự Cầu Đá - Lầu Bảo Đại - toạ lạc trên đỉnh Núi Chụt (Cảnh Long), là nơi nghỉ mát của Vị Hoàng Đế Cuối Cùng cùng Nam Phương Hoàng Hậu.

Ngoài khơi, nằm rải rác là các hòn hay đảo như Hòn Tre, Hòn Nhiều, Đảo Yến ... Ven bờ biển, dưới chân Đồi La San, là "căn cứ địa" của một cụm đá lớn trải dài, gồm một khối đá lớn, vuông vức - trên bề mặt hướng ra biển, một vết lõm khổng lồ, có hình dạng bàn tay, mà Dân Địa Phương quen gọi là Dấu Phật Thủ - nằm trên một tảng đá bằng phẳng và rộng rãi hơn, được đặt tên là Hòn Chồng. Hòn đá thứ hai là Hòn Vợ, mang hình dáng một người phụ nữ đang thẫn thờ nhìn mông lung ra biển.
Dọc theo bờ biển và trong trung tâm thành phố, có các khách sạn và nhà hàng chuyên phục vụ một thực đơn phong phú và đa dạng. Ngoài những món như: yến sào, nem nướng Ninh Hoà, bánh canh, ếch xào dừa, ếch xào tía tô, bánh xèo hải sản, chả rươi cuốn lá lốt, ... ... ..., còn có Đặc Sản Ẩm Thực, dĩ nhiên, gắn liền với Hải Sản, như: ngao, sò, ốc, hến, cua, mực, bong bóng cá, vi cá, bún cá, cháo ốc đá, mực tươi nhồi thịt, mực ống lăn nước sốt vừng, tôm sú đút lò, ngao xào gừng, nhum (cầu gai hay nhím biển). Đó là những món mà anh đã nếm qua, nên mới nhớ. Nhưng anh vẫn khoái Ốc ... Vú Nàng hơn cả.

Khí hậu Nha Trang tương đối ôn hoà, có hai mùa Mưa và Khô rõ rệt. Mùa Mưa thường kéo dài rất ngắn từ giữa tháng 09 đến giữa tháng 12, tạo cho Nha Trang có những phong cảnh nên thơ và hữu tình. Chả thế mà, Miền Thuỳ Dương Cát Trắng này được đi vào Ca Dao, trong Kho Tàng Văn Chương Việt Nam: 
"Anh về Bình Định thăm Cha
Phú Yên thăm Mẹ, Khánh Hoà thăm em
Khánh Hoà là Xứ Trầm Hương
Non cao, biển rộng, người thương đi về".   





HÒN KHÔ ĐƯỢC NHÌN TỪ XA.




Em yêu,

Trong khoảng thời gian 24 giờ phép, anh cùng nhóm bạn thường lang thang đây đó, để thăm viếng, để ngắm nhìn và để thưởng thức ở những nơi chốn như đã kể. Chứ cứ sống ru rú trong vòng rào của Quân Trường thì thời gian sống ở Nha Trang sẽ phí hoài đi. Nhưng trên tất thảy, vẫn là Hòn Khô, được gắn bó với cuộc sống Sinh Viên Sĩ Quan nhiều nhất. Những Bãi Học và Rèn Luyện Quân Sự đều nằm men theo dãy núi, nên lưu dấu ấn trong tâm tưởng của anh. Bức tượng Người Lính Thuỷ Quân Lục Chiến, đứng thao diễn nghỉ ở lưng chừng núi, bằng đá trắng, thường được rọi hằng đêm bởi hai ngọn đèn pha thật lớn, sáng quắc cả một góc Trời, có thể được nhìn thấy từ xa. Trong Các Bài học Về Đại Đội, có lúc các anh được đóng quân dã trại ở Bãi Tiên, nơi đầu "mái tóc của Nàng Thiếu Nữ" chồm ra biển. Mà muốn ra đấy, các anh đi ngang qua Làng Đánh Cá Ba Làng, dĩ nhiên dưới sự bảo vệ thường xuyên của Đại Đội Cơ Hữu của Trường. Bãi Tiên, trong buổi chiều tà, đã lưu lại trong anh những ấn tượng thật thơ mộng và trữ tình. Buổi chiều thường khiến tâm hồn của anh trĩu nặng u buồn. "Chiều về không buông nắng cho mây âm thầm. Một mình trong chiều vắng, nhớ đôi môi mềm". Nhớ, nhớ da diết, Thảo ạ. Anh chỉ có thể nhớ đôi môi ngọt ngào của em thôi, vì đã có lần nào chúng mình "ân cần trao thân" đâu. Nên "cơn đau này vẫn còn đây", anh cố giữ và kềm chế mọi ham muốn thể xác để em nhẹ nhàng về làm vợ người ta, không vướng bận đau khổ.

"Tìm trong tháng ngày buồn,
Đôi mắt nào khô, đường tim chơ vơ
Đếm cho nhau lời nói trên đời nào yêu người
Kỷ niệm xưa đã chết, cơn mê đã chiều
Tình yêu đã hết, xót xa đã nhiều
Đời thôi, sẽ còn mai sau
Thôi, em đừng xót thương, rồi ngày tháng phai đi
Thôi, cuộc tình đó tan rồi, không còn gì nữa.
Tiếc mà chi.
Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều
Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng
Chỉ còn mối tình mang theo
Xin một lần xiết tay nhau, một lần cuối cho nhau
Xin một lần vẫy tay chào
Thôi, giòng đời đó cuốn người theo ..." 
(BÀI KHÔNG TÊN SỐ 2 - VŨ THÀNH AN).

Thà rằng để một mình anh xót xa ôm nỗi đau, còn hơn để cho cả hai ta cùng gánh chịu và dằn vặt trong đau khổ. "Cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua". Dù sao Thân Nam Nhi cũng dễ dàng chống chọi với Trường Đời, nên anh cứ thầm mong vết thương lòng sẽ mau liền miệng. Nhưng nỗi đau vẫn cứ âm ỉ như đóm lửa dưới đống tro tàn của thời gian.
  
"Quấn quýt vân vê tà áo, run run đôi môi mở chào
Tiếng nói thơ dại ngày đó, bây giờ mộng đời bay cao
Góp hết tương lai vào tiếng yêu thương, trao em một đời
Hãy sắt se đợi ngày tới, mai rồi ngọt bùi sẽ chia
Nâng niu cô đơn từng ngày, xoa tay khi em vào đời
Mà đời còn nhiều đắng cay ..." 
(BÀI KHÔNG TÊN SỐ 5 - VŨ THÀNH AN).

"Ngọt bùi sẽ chia", đó là hạnh phúc gia đình riêng của em sẽ là niềm vui của anh, Yêu Dấu ạ.
"Về sau và nhiều năm sau nữa. Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay". Những khi gợi nhớ đến mối tình của chúng mình, anh lại cứ cảm thấy buồn, nhưng vẫn cứ "thích" hồi tưởng.
 "Chiều thơm, ru hồn người bềnh bồng
Chiều không im, gọi người đợi mong
Chiều trông cho mềm mây, ươm nắng
Nắng đợi chiều nắng say, nắng nhuộm chiều hây hây
Ngày đi, qua vài lần buồn phiền
Người quen với cuộc tình đảo điên
Người quên một vòng tay ôm nhớ
Có buồn, nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay ..." 
(BÀI KHÔNG TÊN SỐ 8 - VŨ THÀNH AN).

Ta đành tự ủi an chính mình vậy. 




ĐƯỜNG RA BÃI TIÊN
(NGAY "ĐẦU MÁI TÓC CỦA NÀNG" CHỒM RA BIỂN) NGÀY NAY.





Trong Quân Trường, Các Cán Bộ Cơ Hữu thường nặn ra những hình phạt với tên gọi thật mỹ miều để "đì" Khoá Sinh như:
1/ "Tình Ca Người Đi Biển": lội xuống biển nhúng cho ướt hết áo quần.
2/ "Xin Mặt Trời Ngủ Yên": nằm ngửa người trên cát nóng, nhìn thẳng vào mặt trời giữa trưa, để hong khô quần áo.
3/ "Vũ Khúc Lên Đồi": ba lô trên lưng, súng cầm ngang thân, chạy lên, chạy xuống đồi nhiều vòng.
4/ "Gối Mòn Trên Cát": súng cầm ngang tay, bò trườn hoả lực trên cát.
5/ "Máu Chảy Về Tim": chống hai tay trên đất, hai chân chống lên tường hay gờ đá ở trên cao.
Thú thật rằng, nhờ có sự nhắc nhở của Vị Huynh Trưởng Khoá 09/72, anh mới nhớ đến những hình phạt này. Chỉ một "món ăn chơi " "Vũ Khúc Lên Đồi", anh đủ khờ người rồi.





CẦU XÓM BÓNG, DẪN RA ...





Dạo này, Chương Trình Huấn Luyện Về Đại Đội dần chuyển sang giai đoạn cuối nên các anh được đóng quân dã trại nhiều hơn, cho quen với các điều kiện thực tế. Những chiếc lều bạt Nhà Binh được dựng lên theo đúng Đội Hình Chiến Thuật, phòng khi bị Địch thứ thiệt tập kích, Các Sinh Viên Sĩ Quan sẽ trở thành Những Chiến Binh thực thụ khi lâm trận. Các anh được phân phát cấp số đạn và lựu đạn thật nhưng hạn chế. Vì dù sao, đâu đó tít trên cao, trên dãy Hòn Khô, Đại Đội Cơ Hữu vẫn luôn ngày đêm bảo vệ. Cơm, canh và thức ăn mặn - chứa trong những thùng nhôm bự - được vận chuyển ra tận nơi bằng xe GMC, rồi san sẻ ra gamelles (những chiếc gà-mên) dẹt và ca inox. Nhiều khi, đang lúc dùng bữa, gió biển thổi mạnh, cuốn thốc cả cát vào cơm canh.
- "Các anh vẫn phải nhai và nuốt ! Còn đang trong Quân Trường mà các anh không chịu đựng nổi những khốn khổ lặt vặt ni, thì mai kia, KHI ĐÃ RA CHIẾN TRƯỜNG, CÁC ANH LÀM SAO ĐỨNG VỮNG ĐƯỢC ! Chẳng lẽ các anh sai lính hầu vác theo cả fauteuils, frigidaires, ventilateurs (ghế bành, tủ lạnh, quạt máy) mới đánh giặc được HỈ ??? NHƯ RỨA THÌ MẦN RĂNG MÀ LÃNH ĐẠO CHỈ HUY CHO NỔI !!! HỈ ???".

Phải thành thật mà nói là anh cảm thấy rất khó chịu về cá tính lịch sự nhưng réglo (nghiêm khắc) của "Dân Miền Sông Hương Núi Ngự". Bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, bên trong Quân Trường hay dã ngoại, vô phúc cho anh nào "quậy quọ" mà gặp phải Trung Uý Nhàn, Đại Đội Trưởng Đại Đội Khoá Sinh 780, là xem như "đời tàn trong ngõ hẻm", nhẹ thì có màn "xin mời" hít đất, thụt dầu cho đến khi mệt lả. Nguyễn Hữu Trung - con trai Tướng Nguyễn Hữu Có - còn bị Ông "mời" vào Cải Hối Thất để "suy gẫm việc đời" nữa là. Mặc dù rất khó chịu bởi bản tính khắt khe, khắc nghiệt, nhưng anh cũng phải thành thật cảm ơn Trung Uý thật nhiều, vì nhờ đó, anh biết khép mình vào kỷ luật, mà KỶ LUẬT LÀ SỨC MẠNH CỦA QUÂN ĐỘI. "Tính láu cá vặt, thói anh hùng rơm chuyên đánh nhau, dựa hơi Bố" trong anh Thời Còn Đi Học bị dẹp bỏ một cách không thương tiếc. Để rồi sau này, "trưởng thành trong cơn bão lửa của chiến tranh" và "tồn tại qua những sóng gió của cuộc đời", cho đến ngày hôm nay, "Xin cảm ơn Đời, mỗi sáng mai bừng thức dậy. Anh có thêm ngày nữa để yêu thương", ngồi viết Note này đến em.

Trước khi vào giờ học chiều, theo lệnh của Đại Đội và Trung Đội Trưởng Khoá Sinh - mấy vị này cũng như các anh, được Trung Uý Nhàn bổ nhiệm vào những chức vụ như thế, để phụ giúp Ông quán xuyến anh em - các anh đứng theo Đội Hình Hàng Ngang thực hiện những động tác kiểm tra an toàn như nòng súng chỉ thiên, kéo cơ bẩm (trong trường hợp viên đạn thật còn kẹt lại nòng, văng ra; chỉ khi nào có giờ học ngoài bãi thôi). Các anh ngồi trong hàng, mũ sắt vẫn đội trên đầu, ba lô được tháo ra khỏi vai, súng M 16 đứng thẳng, tựa vào vai, sổ sách ghi chép trên đùi, bút viết dắt sẵn sàng trong túi áo, chờ Sĩ Quan Huấn Luyện Viên đến. Nếu Trời đổ mưa, các anh vẫn phải chịu trận, vì Các Sĩ Quan cũng chịu trận như mình, chứ không phải túa ra tìm chỗ núp, để bị rủa "Nhà Binh hay Nhà Xí".   






THÁP BÀ.




Đột nhiên chiếc Chevrolet sơn đỏ trắng từ đằng xa chạy tà tà đến, rồi dừng hẳn lại. Trung Tá Liên Đoàn Trưởng mở cửa xe, bước xuống, rồi bước nhanh lại về hướng Trung Uý Nhàn. Trung Uý cũng tiến bước đến gần Trung Tá. Đại Đội Trưởng Khoá Sinh hô "Nghiêm !". Các anh đứng lên theo tư thế nghiêm, súng dựng đứng sát thân phải. Anh liếc nhanh về phía chiếc xe, Bố cùa anh trong Bộ Ký Giả bốn túi, màu xanh đậm, đứng chờ bên xe cùng chú em kế. Nếu đi công tác, Ông sử dụng xe Jeep sơn bạc, như vậy là Ông đi tư tác, nên đi xe nhà. Lát sau, Trung Uý Nhàn gọi vang:
- "Sinh Viên Sĩ Quan Nguyễn Tự Thành, Danh Số 106, trình diện Trung Tá !".
Lúc đấy, anh mới được phép đứng dậy và bước ra khỏi hàng, đến trước Trung Uý, nghiêm chào, rồi quay sang Trung Tá, trước tiên phải thực hiện đúng Quân Phong Quân Kỷ, sau đó khoanh tay lại theo phong cách dân sự:
- "Cháu chào Bác ạ."
- "Sáng nay, Bố cháu lên đây, xin trực tiếp gặp cháu, có việc cần. Cháu được phép đi với Bố và em cho đến 12 giờ trưa mai." ... "Anh Nhàn cho người trông hộ cháu nó ba lô, súng đạn nhé" ... "Trung Sĩ, cảm phiền cho cháu mượn mũ, ra phố, gặp phải Quân Cảnh lại thêm phiền phức."
Anh quay lại chào Trung Uý - trong đôi mắt của Ông hiện lên những dấu hỏi - và theo chân Trung Tá ra xe. Theo yêu cầu của Trung Tá, xe dừng lại ngay cổng. Bác Tài lái xe đưa ba Bố con đến Khách Sạn Duy Tân, nằm sát bờ biển, từ đây, khách trọ có thể đi dạo ngắm biển và tận hưởng nắng, gió. Đến nơi, Bác Tài lấy phòng đơn; ba Bố con anh lấy phòng đôi, mặt sau có lan can hướng ra biển. Bố bảo chú em ra ngoài phố chơi, để nói chuyện riêng với anh.  




XE CHEVROLET.






Bố của anh trầm tư thật lâu, đôi lông mày nhíu, trán nhăn tít lại, lặng lẽ rít một hơi thuốc đến ... nửa điếu Capstan. Đó là dấu hiệu chứng tỏ trí não của Ông hoạt động căng thẳng lắm. Bởi thế những ngày còn ở nhà, anh thường ngăn không cho các em lên nhà trên quấy rầy Ông, trong khi Ông đang làm việc với một đống giấy tờ phủ đầy mặt bàn rộng. Ông hắng giọng rồi nói:
- "Con biết là Bố rất bận bịu với công việc, nhưng Bố phải tạm thời ngưng ngang, chỉ để lên tận đây vì con. Bố có rảnh đâu mà đi đổi gió ? Ngày mai, Bố phải trở về với công việc của mình, bỏ đi lâu không được ! Với lại, Mẹ của con cảm thấy không yên tâm và rất lo lắng cho con từ lần con về phép trước, Bố không thể yên thân với Bà ấy, hết mè nheo vào ban ngày, đến đêm chẳng cho Bố ngủ yên giấc. Chuyện Hôn Nhân Đại Sự giữa con với cái Thảo, không phải là Bố Mẹ không tán thành. Đồng ý quá chứ lỵ ! Nó là trưởng nữ của Bạn Thân Bố cơ mà ! Con lại là trưởng nam thì xứng đôi vừa lứa quá. Bố Mẹ đã tặng nó một đôi hoa tai, đó là hình thức chấp nhận nó là dâu con rồi còn gì. Xí phần, đặt cọc sẵn cho con. Nhưng khốn nỗi, cả hai Bà Mẹ đều khăng khăng với quyết định dứt khoát của mình. Bà thì bắt buộc con phải theo Đạo, mới gả con gái. Bà thì không chấp nhận cho con theo Đạo. Hai Ông Bố lâm vào thế bí, dở khóc dở cười, chẳng thể nào lay chuyển được ý định chắc như đá tảng, cứng như thép của hai Bà. Xem như cả hai đứa chúng con có nhân duyên mà chẳng có nặng nợ với nhau. Thà rằng, con bồ bịch lăng nhăng, không cưới được cái Thảo, thì Bố Mẹ sẵn sàng đi xin đứa khác về cho con làm vợ. À, con bé gì tóc dài, dáng người nhỏ nhắn, học chung lớp Toán-Lý-Hoá với con ngày xưa ấy nhỉ ? Mà con chẳng mặn mà gì với nó, chỉ xem như bạn học đơn thuần. Mọi suy nghĩ, buồn bã, thất vọng não nề của con, khi biết cái Thảo đã có người dạm ngõ, mọi hành động, cử chỉ của con, Bố Mẹ biết rõ chứ. Nhưng chẳng thể làm gì giúp con được. Gánh nặng đó, có phải đâu là vật ngoại thân, mà Bố Mẹ gánh hộ con ? Con nhận xét xem trong đám anh em chúng con, có đứa nào khiến Bố Mẹ phải bận tâm, lo lắng, vất vả nhiều như đối với con không ? Bao nhiêu sự thành đạt trong sự nghiệp của Bố đều đổ dồn vào thằng con đầu lòng của Bố Mẹ. Từ tấm bé đến giờ, con được hưởng những gì ? Chắc con còn nhớ chứ ? ..." 

Ông tạm dừng, châm một điếu thuốc khác, rồi ... "thuyết" tiếp:
- "Nếu con chăm học thì sau khi hoàn tất Chương Trình Primaire (Tiểu Học) ở Petit Lycée Yersin, tiếp lên Grand Lycée, rồi Bac Un, Bac Deux (Baccalauréat: Tú Tài). Nếu con muốn đi du học ở Pháp, Bố có thừa khả năng để lo lắng và gửi gắm con, Bố cũng có bạn làm việc ở Toà Đại Sứ tại Thủ Đô Paris mà. Nhưng đằng này ..." Ông thở dài đánh sượt một cái dài thoòng "Chẳng bao lâu nữa là con mãn khoá rồi, Bác Kiểu (Trung Tá Liên Đoàn Trưởng), lúc dùng cơm trưa, cho Bố biết là trước Tết Nguyên Đán. Rồi con sẽ ra Đơn Vị, nếu may mắn, Bố sẽ lo xong cho con về Đại Đội Truyền Tin của Sư Đoàn. Bằng không, con phải ra Đơn Vị Tác Chiến, mà ù ù cạc cạc chuyện đời, từ bé chỉ cắm đầu vào học, chẳng may sa vào quỷ kế của mấy con bé Việt Cộng thì toi đời, mà còn làm vạ lây đến Bố nữa."
Ông xuống giọng tình cảm:
- "Bà Cô của con đã làm mai cho con một con bé xinh xắn đáo để, con T.H. - trưởng nữ của Ông T. , người cộng tác với Chú Th. của con - ở Ngã Năm Bình Hoà. Bố thấy con bé đấy xinh xắn chẳng kém gì cái Thảo cả, có khi còn hơn ấy chứ lỵ. Lấy vợ ..."
- "Nhưng, thưa Bố, con biết Ông T. chứ, Ông ấy có bao nhiêu đứa con gái, con còn chẳng biết, thì làm sao mà con biết mặt con bé T.H. là con bé nào. Với lại, từ trước đến giờ, con có yêu nó đâu mà Bố bảo con lấy ?"
- "Con nói lạ nhỉ ? Lấy vợ sinh con để nối giòng, thì con lấy con bé nào mà chẳng được ? Chắc chỉ mỗi con bé Thảo mới có thể sinh con cho con ư ? Trước chưa yêu, rồi tình yêu sẽ đến sau hôn nhân giữa chúng con. Ngày trước, khối người trước khi cưới đã biết mặt nhau đâu, mà họ vẫn có với nhau hằng tá con nữa kìa. Có chết thằng Tây nào đâu ? ..."
 Thêm một điếu thuốc nữa:
- "Lương Chuẩn Uý của con chỉ có hai chục nghìn bạc, chẳng đủ một mình con tiêu vặt, chứ đừng nói gì đến việc nuôi vợ con. Bố hứa sẽ chăm sóc cho cháu nội của Bố Mẹ thật chu toàn, đầy đủ như chăm sóc con lúc bé thơ vậy ... Mẹ con đã đi nhờ Thầy xem tuổi của hai đứa. Bố đã fait des projets (lập kế hoạch) với các bạn của Bố hết rồi, từ nay cho đến ngày mãn khoá, con sẽ có hai lần về phép bằng máy bay Quân Sự nữa. Tiểu Đăng Khoa rồi con sẽ Đại Đăng Khoa."

Trọng tâm vấn đề vẫn chỉ có thế, vậy mà hai Bố con anh "đàm đạo" suốt ... 3 tiếng đồng hồ, đúng hơn, anh chỉ ngồi lắng nghe Ông "trổ tài biện thuyết". Ngày xưa, Vua Trần Thái Tông "được" Hưng Đạo Đại Vương "thuyết giảng", Ngô Thời Nhiệm - Phan Huy Ích "tán" Quang Trung Hoàng Đế, Thương Ưởng - Tô Tần - Trương Nghi "rót mật vào tai" Tần Hiếu Công và Tần Thuỷ Hoàng như thế nào thì anh không biết. Vì anh không đủ hùng tài đảm lược như Trần Thái Tông, Quang Trung hay Vua Chúa Nhà Tần. Nhưng anh dám chắc một điều, "tài hùng biện" của Bố anh chẳng thua kém Trần Hưng Đạo, Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích ... bao nhiêu.

Từ thuở bé, anh đã quen với cách giáo dục của Ông, được tự do nhưng nằm trong khuôn khổ mà Ông ấn định, thích mua loại sách nào, cứ xin, kể cả sách truyện tranh như Lucky Luke, Tintin, Spirou & Fantasio, Astérix & Obélix, Les Schtroumpfs ... Dạo còn học ở Đà Lạt, mỗi Mùa Hè, anh được về Sài Gòn, nhưng vẫn không được phép "nghỉ mà chỉ chơi", phải học và ôn bài mà Ông giao, récitations (những bài học thuộc lòng) mà đọc ngắc ngứ, không suông, thì "cạch !", chiếc botte de saut (giầy ủng) của Ông bay ngay vào ống quyển. Ông rất thương nhưng cũng rất nghiêm khắc trong vấn đề giáo dục các con. Những đứa con của Ông, cũng là Lính Thuộc Cấp của Ông, "Thi Hành Trước - Khiếu Nại Sau", lời nói ra, là LỆNH ! Ông ở nhà trên, tụi anh xuống nhà dưới - Ông xuống nhà dưới, tụi anh lên nhà trên, Ông ngồi đó, nhưng đầu óc vẫn xoay chuyển làm việc.
- "Bố đã ra đời kiếm sống từ lúc lên 10, tự học để vươn lên cho bằng người. Bố không lấy được Bac, nhưng không phải vì thế mà chịu thua người khác. Các con của Bố phải có bổn phận chuyên chở ước mơ của Bố đến bến bờ sự thật. Vì thế nên, thằng Thành phải vào Đại Học Kỹ Thuật Phú Thọ, thằng Cường phải vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, con ... ... ... . Chịu khó học, cuối tuần có thưởng, nếu Bố vắng nhà hay bận việc, Chú Tài Xế sẽ có nhiệm vụ đưa chúng con đi bất cứ nơi nào mà chúng con muốn. Đứa nào được lĩnh Bảng Danh Dự hằng tháng thì được thưởng thêm. Chịu học là như vậy, nhưng không chịu học thì ... LIỆU CÁI THẦN HỒN !!!".
Lần thi rớt vào Sixième (Lớp Đệ Thất / Lớp 6), anh đã khiến Ông thất vọng não nề, chẳng thèm đếm xỉa gì đến anh, nín lặng cả 3 ngày. Rồi cũng chính Ông nguôi ngoai trước tiên, lại chỉ dạy anh "đường binh" khác. Lớn hơn, anh có nhiều nhu cầu về sách vở, lớp học thêm, Ông cũng chiều tất. Nhưng anh sinh tật, có "trò chơi người lớn", ỷ có võ lại dựa hơi Bố, anh chia bè - kết phái "uýnh lộn", bị Cảnh Sát bắt bỏ bót, điện đến Văn Phòng của Ông, Ông sai người lãnh ra. Đến khi Ông về, "nằm xấp xuống - roi mây vào đít", cho dù là hai anh em của anh, thân người dài sòng sọc ! ANH NỢ ÔNG NHIỀU LẮM ! 

 
HÒN CHỒNG.




Suốt 3 tiếng đồng hồ, Ông đã hút hết gói Capstan dở và gần hết gói thuốc lá mới. Lời nói của Ông nếu được nối lại chắc dài bằng con đường từ Sài Gòn ra đến Hà Nội, rồi trở vào đến mấy lượt !
- "Thôi ! Chiều rồi, đi ăn cơm."
- "Thưa, con không đói, xin Bố cho con suy nghĩ."
- "Mày lại dở chiêu "tuyệt thực - bất bạo động", Bố còn lạ gì. Ừ. Suy nghĩ đi con. Rồi cho Bố biết ý kiến. Sáng mai, Bố về Sài Gòn sớm."

Anh ra lan can, châm một điếu thuốc Ruby Quân Tiếp Vụ, nhả khói, khói chỉ vờn quanh làm cay mắt. Chong mắt ra biển cả, nhìn về hướng xa xăm, trong lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Trời về chiều, nắng nhạt. Gió gợn sóng lao xao. Đàn Hải Âu rải những đốm trắng trên nền Trời xẫm màu. Xa xa, lác đác những con thuyền chài trở về bến. Trong lòng trống vắng đến lạ thường, anh suy nghĩ vế mối tình vô vọng của mình, chỉ thấy bế tắc. Nếu là Hiệp Sĩ Thời Trung Cổ bên Trời Tây, anh dám một mình một ngựa, xông pha cướp em về bên anh liền. Tiếc rằng, lại không phải, anh là Người Việt Nam hoàn toàn mà phong tục - tập quán lại không cho phép làm chuyện "dở hơi" như vậy. Bố của anh cất công ra tận Nha Trang, chỉ trong vòng một ngày, đó là trong ý của Ông có "chút tôn trọng" anh, lại còn bỏ nhiều thời gian để "thuyết giảng". Ý của Bố Mẹ đã quyết, anh khó mà cãi lời. Chỉ trừ khi, anh làm Hoà Thượng ! "Để rồi oán trách nhau" ư ? Không, Thảo ạ. Anh chỉ trách mình vô duyên bạc phước. Chỉ buồn vì "Đời dài như một tiếng kinh cầu".

"Yêu nhau cho nhau nụ cười, thương nhau cho nhau cuộc đời
Mà đời, đâu biết đợi, để tình nhân kết đôi
Yêu nhau, cho nhau một lần. Thương nhau, thương cho một lần
Một lần, thôi vĩnh biệt. Một lần, thôi mất nhau ..
(BÀI KHÔNG TÊN SỐ 3 - VŨ THÀNH AN).

Dù muốn hay không, chúng ta đã lạc mất nhau trên Cõi Đời này thật rồi. Rồi vĩnh biệt được tình mình hay không, nếu hình ảnh dấu yêu của em tan loãng vào hư vô, không để lại chút dấu vết.

"Cuộc tình ngày đó đã theo Mùa Xuân đó
Cuộc đời này đây, đã chôn vơi ở đây
Ước cho nhiều, tuổi xanh trở về đâu
Theo ngày tháng tàn, tình yêu cũng héo tàn
Mai đời có cho tôi gặp gỡ
Xin cho đôi môi em cười rạng rỡ
Một bờ mi cong, vùng tóc nhớ
Để sống thêm, thêm lần trẻ thơ ..." 
(BÀI KHÔNG TÊN SỐ 1 - VŨ THÀNH AN).

Chẳng ăn chanh mà CHUA, vết thương lòng, chẳng ai rắc muối vào mà XÓT !
Anh nhịn ăn luôn đến sáng hôm sau. Đêm xuống, thao thức mãi, chẳng thể nào ngủ được, chỉ nằm nghe Bố và chú em ngáy, tiếng thạch thùng tắc lưỡi, anh nhẹ nhàng mở cửa ra lan can, ngồi một mình trong bóng tối, hút thuốc lá vặt, lắng nghe tiếng sóng lao xao, tiếng lá khua rì rào, dàn nhạc giao hưởng cóc -nhái- ễnh ương tấu nhạc. Rồi Trời sáng. Khỏi cần ai đánh thức, Bố anh tự nhiên thức dậy vào khoảng 6 giờ.

Cả 4 người trả phòng, rồi dùng điểm tâm. Trong miệng của anh chỉ toàn vị đắng, anh không măm gì, chỉ uống ly cà phê đen pha đậm không đường.
- "Con bê 2 cặp rượu này vào, Bố đã mua trước ở Sài Gòn. Trưa hôm qua, Bố không tiện biếu Trung Tá, Bác ấy có về thẳng nhà đâu. Còn 1, con mang biếu Trung Uý nhé. Hay là con trở về Khách Sạn, đến trưa, con mới hết phép mà phải không ?"  
- "Dạ, thôi Bố ạ. Con chẳng còn lòng dạ để đi đâu. Bố cho con về thẳng Trường, giờ này, anh em đi học hết, con tìm chỗ ngủ. Chúc Bố và em thượng lộ bình an."
- "Vậy cũng được. Khi nào Bác Kiểu gọi con lên Văn Phòng, tức là con có giấy phép rồi đấy. Bác ấy khen con của Bố ngoan, biết phục tùng mệnh lệnh và tuân giữ kỷ luật".  



ỐC VÚ NÀNG.



Đến gần trưa, các bạn trở về từ Giảng Đường, sau giờ học Lãnh Đạo chỉ Huy, đánh thức anh dậy. Anh mang cặp rượu lên Văn Phòng Đại Đội, Trung Uý hỏi sự liên hệ giữa Trung Tá và anh.
- "Thưa Trung Uý, Trung Tá với Bố của em là Bạn Đồng Môn ạ".
Ông gật gù và chẳng nói gì.

                                                                                                  17/12/2011.
THOMAS THANH NGUYENTU.

BÀI LIÊN QUAN:

No comments:

Post a Comment