Wednesday, August 15, 2012

TẢN VĂN: TÌNH CA TIẾNG NƯỚC TÔI (PHẦN I).




VIỆT NAM - BÁN ĐẢO ĐÔNG DƯƠNG.

"Tôi yêu TIẾNG NƯỚC TÔI từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À, à, ơi ! Tiếng ru muôn đời
TIẾNG NƯỚC TÔI, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui 
Khóc cười theo mệnh Nước nổi trôi, Nước ơi
TIẾNG NƯỚC TÔI, tiếng Mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, Nước ơi
Tôi yêu tiếng ngang Trời
Những câu hò giận hờn không nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai ..."



Như bao trẻ con khác, tôi cũng dựa dẫm vào Bố Mẹ. Và lại càng may mắn hơn, khi tôi là con trưởng, mà lại là con trai 100%. Nên vì thế, tôi được thừa hưởng sự thành đạt của Phụ Thân, gần như tất cả. Lên 6 tuổi, một thân một mình, tôi lên trọ học tại Đà Lạt, Trường Petit Lycée Yersin. Nội quy của Nhà Trường rất nghiêm, học sinh tuyệt đối không được nói Tiếng Việt bên trong khuôn viên Nhà Trường. Cho dù có chửi nhau, cũng phải chửi nhau bằng Tiếng Pháp, chứ không được chửi thề bằng tiếng ... Đan Mạch. Có thể nói, chủ tâm của Ban Giám Hiệu muốn biến Nhà Trường thành một Nước Pháp thu nhỏ với đa số Tây con tóc đen - da vàng - mũi tẹt. Ngày qua ngày, tháng nối tháng, theo nhau không ngừng nghỉ, tôi đã hoàn tất Bậc Tiểu Học.

Nhưng vì ham chơi - thời gian đó, chưa có games như bây giờ - nhưng cũng là ... ham chơi. Như săn hoa (hoa thiệt đàng hoàng, chứ không phải ... Hoa Biết Nói, vì còn là con nít cơ mà), bắt bướm ... ... ..., nên tôi thi rớt Kỳ Thi vào La Classe De Sixième - Lớp 6, Trường Trung Học. Tôi phải mất một năm để học Chữ Quốc Ngữ. Tuy vậy, Pháp Ngữ vẫn hiển hiện trong ký ức của tôi, dù nhạt nhoà. Tôi có thể phát âm gần giống giọng Dân Parisien. Pháp Ngữ hỗ trợ rất nhiều cho tôi trong việc học Quốc Ngữ, vì có bộ dấu để tạo thanh âm và việc mở mang kiến thức về Anh Văn. Hai ngôn ngữ này có nhiều chữ được viết giống nhau. Tôi chọn Ngoại Ngữ - lúc trước, được gọi là Sinh Ngữ - chính là Anh, Pháp là Ngoại Ngữ phụ.

Còn nhớ những ngày đầu tiên của Lớp 6 - Trường Trung Học Nhân Vị - trong Tiết Học Anh Văn, khi được chỉ định đọc Bài Giáo Khoa trong English For Today, Giáo Sư Đỗ Văn Nguyên ... không bắt kịp giọng đọc của tôi. Thầy đứng gần, lắng nghe một cách chăm chú, rồi lật tẩy ! Tôi đã "láu cá" phát âm Tiếng Anh bằng Tiếng Pháp ! Trong các kỳ thi Tú Tài, Ngoại Ngữ 1, được nhân Hệ Số 4, Ngoại Ngữ 2 được nhân Hệ Số 2. 

Tôi vẫn yêu TIẾNG NƯỚC TÔI vì khi lọt lòng Mẹ, còn nằm trong nôi, tôi đã nghe Bà ru bằng Làn Điệu Dân Ca Miền Bắc, được nghe Bà nựng nịu bằng Tiếng Việt. Lớn lên, ngoài giờ học trong Trường, tôi vẫn dùng Tiếng Mẹ Yêu để giao tiếp với các bạn đồng lứa và những người lớn tuổi.       

"Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều Làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh, ăn nói thật thà có duyên
Tôi yêu ĐẤT NƯỚC tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình 
Nhìn trùng dương hát câu no lành
ĐẤT NƯỚC tôi, dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Đất Miền Tây chờ sức người vươn, Đất ơi
ĐẤT NƯỚC tôi, núi rừng cao, Miền Bắc lửa thiêng
Lúa Miền Nam chờ Gió Mùa lên, Gió ơi
Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở Giòng Sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Màu Sông Hồng đỏ vì chờ mong
Người yêu Thế Giới mịt mùng
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng VIỆT NAM
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung - Nam - Bắc kết hàng mến nhau ..."

Trong Những Tiết Học Quốc Ngữ tại Trường Trung Học Nhân Vị, Giáo Sư Nguyễn Văn Sử, rồi sau này, tại Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn, Giáo Sư Trịnh Văn Tuấn, đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM. Với tất cả con tim, bầu nhiệt huyết, kiến thức uyên bác, lòng yêu nghề, tận tuỵ với học trò, Quý Thầy đã thao thao bất tuyệt về Tâm Lý Các Nhân Vật trong Tác Phẩm, Cuộc Đời Và Sự Nghiệp của Các Tác Giả. Ngày trước, chúng tôi được học Cổ Văn và Kim Văn.

Kính thưa Quý Thầy, em không thể nào quên ơn của Quý Thầy đã dạy em trong bấy nhiêu năm. Nhờ đó, Tiếng Việt trong em không mai một, và lòng đam mê VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM được thắp sáng qua từng câu văn, câu thơ mà em viết. Bây giờ, đã là Thầy Giáo - mặc dù em dạy ngôn ngữ khác với Quý Thầy, nhưng cũng là Môn Văn, Tiếng Anh - em thực hiện đúng y như Quý Thầy, Lòng Đam Mê Nghề Nghiệp, để truyền đạt kiến thức cho học trò, học viên. Ngoài Công Lao Sinh Thành Dưỡng Dục của Bố Mẹ, Công Ơn Giảng Huấn của Quý Thầy, cũng như Quý Thầy Cô khác, em luôn luôn và mãi mãi ghi khắc thật sâu trong tâm khảm của em. 

Để rồi khi lớn thêm một tý, từ từ rời khỏi "Lứa Tuổi Khoái Ô Mai", để bước chập chững sang "Lứa Tuổi Yêu ... Hoa Biết Nói". Tôi đã nghiên cứu kỹ Bút Pháp Tả Tình trong từng Thi Phẩm.
Này nhé, với YÊU thì có:

"Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng
Có Nàng Thiếu Nữ đẹp như Trăng
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng.

Bài Thơ Hạnh Ngộ đã trao tay 
Ôi mộng nào hơn giấc mộng này
Mùi phấn em thơm mùi Hạ cũ
Nửa như hoài vọng, nửa như say ...".
                                   THƠ: TỰ TÌNH DƯỚI HOA - ĐINH HÙNG.
                                 NHẠC: MỘNG DƯỚI HOA - PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG.

Còn HỜN GIẬN vì bị Nàng dùng giờ dây thun khi hẹn, thì có:
"Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé 
Để lòng buồn, tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lui dần
Tôi nói khẽ: "Gớm, sao mà nhớ thế ?".

Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé
Em tôi ơi, Tình có nghĩa gì đâu
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu
Thuở Ân Ái mong manh như nắng lụa ...".
                                                      NGẬP NGỪNG - HỒ DZẾNH. 


Và còn nhiều Thi Sĩ nữa như NGUYỄN BÍNH, XUÂN DIỆU, LƯU TRONG LƯ ... Thơ đượm chất cay chua thì có TRẦN KẾ XƯƠNG ... Muốn làm được Thơ, tôi phải nghiên cứu kỹ về Âm Luật Bằng Trắc, Các Thể Thơ Lục Bát, Song Thất Lục Bát, Thất Ngôn Bát Cú và cả Đường Thi ... Còn về văn xuôi, có Các Nhà Văn như KHÁI HƯNG, THẾ LỮ, NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM ... trong NHÓM TỰ LỰC VĂN ĐOÀN.

                                             
POST SAINT VALENTINE 'S DAY - 2012.
THOMAS THANH NGUYENTU.

BÀI LIÊN QUAN. 

http://thomasthanhnguyentu.blogspot.com/2012/08/tan-van-tinh-ca-tieng-nuoc-toi-phan-ii.html   

No comments:

Post a Comment