Có một lần về phép, tôi may mắn được gặp Bố:
- "Con có sợ chết không, con ?" (Chà "được lời như cởi tấm lòng".)
- "Dạ, con sợ chết chứ Bố." (Để yên xem sao.)
Mẹ tôi chẳng bỏ lỡ thời cơ, liền xen ngang:
-
"Ối Ông ơi ! (Bà bắt đầu "Hát Chầu Văn"). "Thằng Bé" tôi dzứt dzuột đẻ
dza ... (Chẳng lẽ Bà nhặt tôi trong sọt rác ? Úi giời ! Lãnh Đạo Chỉ Huy
cả những người gần gấp đôi tuổi của mình, mà vẫn còn "được" gọi là
"Thằng Bé"). Cục Vàng Cục Ngọc Cục Châu Báu, tôi mang từ Bắc vào Nam.
(Khoái à nhe, Bà vẫn cưng mình) Thế mà, Ông nỡ lòng nào mà "đày đoạ" nó,
nó chết mất xác làm saaaooo ? (Bà nghĩ Ông cứ như là Tổng Tham Mưu
Trưởng) Ông cứ lo lót chạy chọt cho nó về Ba Cây Thông (Hành Chánh Quản
Trị) đi. Hết bao nhiêu cây vàng, tôi cũng chịu ..."
Ông cau mày gắt lên:
-
"Đàn Bà thì biết cái đếch gì !!! (Tôi xìu ngay tắp lự). Quay sang
tôi, Ông nói "Bố thừa sức lo cho con về Những Đơn Vị Không Tác Chiến.
Nhưng Bố muốn con được trưởng thành hơn, biết cách sống tự lập hơn, và
quan trọng hơn hết là biết yêu quý cuộc sống. Sống Chết là Lẽ Thường
Tình của Người Lính Chiến nơi Trận Địa. Con có sợ chết thì mới bảo
toàn được tính mạng của chính mình và của thuộc cấp. Sự an nguy của
chính họ là trách nhiệm của con. Gia Đình của họ cũng trông cậy hết vào
con. Mặc dù tuổi đời của con còn non, nhưng vì con là Sĩ Quan Chỉ Huy
trực tiếp của họ, nên có ảnh hưởng rất lớn đến thuộc cấp. Hãy đối xử
thật khôn khéo sao cho họ vì nể và chia sẻ, gánh vác sự sống chết với
mình. Những Người Lính Già, đôi khi bất trị như những con ngựa chứng.
Muốn chỉ huy được họ, không phải chỉ dùng cái lon mà đè họ được đâu !
Không phải là khó, mà con phải biết uyển chuyển một cách khôn khéo và
vận dụng TÌNH NGƯỜI. Khi đã thương con rồi, chính họ có thể lấy tính
mạng của mình để bảo vệ cho con ..."
Tôi
vâng theo lời Bố - Người Sĩ Quan Già Đời Trong Trận Mạc và cũng là
Người Thầy Lớn - cộng thêm những kinh nghiệm thực tiễn, những gì tôi có
thể làm được một mình như việc giặt quần áo, đeo ba lô, mang vác ruột
tượng gạo, đào hố cá nhân, cách ăn, ở đều giống và hoà đồng với lính.
Tuy
nhiên, họ vẫn dành cho tôi "đặc quyền, đặc lợi" bất cứ khi nào có thể
như nếu đóng ở Nhà Dân, "Chim Uyên" được "đậu" trên bộ ván trong nhà mà
ngủ, nếu đóng dã ngoại, Sếp được nằm trên những nơi cao, khô ráo. Nhưng
cũng có lúc, chỗ nằm của tôi hiện lù lù trên Bờ Mẫu trong những đêm
trăng sáng, rất dễ làm bia cho "Victor Charlie" tập bắn, nên Sếp "lạnh
gáy", thà trùm kín Poncho, gối đầu trên Ba lô, nằm dưới ruộng xâm xấp
nước chung với lính mà cảm thấy "ang tàng". Những kênh rạch thì rất lạ
kỳ, buổi sáng thường khi chỉ như cọng chỉ nhỏ, còn buổi chiều, nước
từ đâu ùa về, dâng cao - có khi quá đầu. Sếp được ngồi xếp bằng trên tấm
phao xếp (từng múi nhỏ, thổi hơi vào thì căng phồng như một tấm nệm)
cùng với PRC 25 và những ruột tượng gạo, được 2 người lính vừa bơi
vừa đẩy vượt sông, sau khi Tiểu Đội Trực đã sang bờ bên kia trước. Thú
thật, tôi chỉ biết bơi kiểu ... Tôtô Kiki.
Tuy vậy, cũng có lúc cười ra nước mắt. Mặc dù, tôi không thích chửi thề, nhưng cũng phải nổ cho ... có uy:
- "Địt Mẹ ! Từ rày trở đi, ông có bỏ rượu không ?"
- "Đụ Má ! Ông biểu tui bỏ vợ thì tui bỏ, còn gựu thì tui đéo bỏ !!!"
- "ĐM ! Ông đéo bỏ rượu, tui bắn ông đó !"
- "ĐM ! Ông có ngon thì bắn tui đi ! Tui đéo ngán !!!"
Trong
Trung Đội, bất cứ lúc nào cũng thủ sẵn 2 can rượu Đế loại 30 lít, dĩ
nhiên có sự đồng ý của tôi, họ mua từ những Nhà Dân chưng cất lấy, quen
biết và đáng tin cậy, mỗi lần di hành, tự động chia nhau gánh. Tôi treo
toòng tenh 2 quả lựu đạn M 26 trên sợi dây TAB trước ngực, trước bụng 4
quả M 67, bên trái, cây lưỡi lê, Colt bên phải, đằng sau vì tôi thuận
tay phải, là bi đông nước, bên kia là bi đông rượu. Uống cho thêm ...
hùng dũng và đỡ sợ.
Vừa tức lại vừa buồn cười,
tôi móc Colt ra khỏi bao và bắn cách ... chân Hạ Sỹ Ti.Đ Trưởng Ti.Đ 2
khoảng nửa thước. Anh ta nhẩy cà tưng, cà tưng. Chả là vì, anh ta có "
cái tật lớn hơn cái tuổi", "điểm đóng quân dễ đổi - tật xấu khó dời",
khoái "gựu uống mềm môi, hổng thấy buồn". Chiều qua, anh ta dùng uy khè
chú lính trực ... can, để được rót hơn số lượng mà toàn Trung Đội
quy định, đến nỗi lèm bèm khi xỉn, trong lúc cả Trung Đội đang nằm
kích đêm nơi ruộng vắng. Sợi dây thần kinh của mọi người đã căng lại
càng căng thêm.
Cấp số đạn được cấp tại Đơn vị
chỉ có hạn, nên mỗi dịp được phép về thăm nhà, nếu may mắn gặp Bố, tôi
chỉ xin ... đạn để dành tập bắn. Chẳng hiểu sao, tôi đều đạt ... Thiện
Xạ Ưu Hạng cả 2 Môn M 16 và Colt 45 trong Bài Thi Bắn Bằng Đạn Thật Cuối
Khoá ở Quân Trường cơ đấy ! Chẳng biết mình bắn kiểu nào mà ... giỏi
thế ! Tôi cưa 2 mắt của lò xo hoàn lực - của khẩu súng được cấp phát
riêng và giữ mãi bên mình cho đến ngày "bị đứt phim" - cho đỡ giật
ngược. Bia tập bắn là những chiếc đĩa nhựa treo cao trên ngọn Cây So Đũa
hay Trâm Bầu, nên tôi dám tự tin vào tài bắn của mình.
"Có
tật thì tất có tài", trong lần hành quân trước vì là Trung Đội Trực thì
chúng tôi phải đi đầu. Khi tôi vừa dứt tiếng hô "Xung phooonnnggg !"
thì anh ta là một trong những người ôm súng xông lên trước nhất, mặc kệ
đạn của "Đối Phương" vãi như mưa.
ẢNH NGUỒN: GOOGLE.COM
- "Chim Uyên 3 ! Nghe rõ trả lời !"
- "5 trên 5, Đại Bàng !"
- "Thằng 1 đi trước rồi đó, xuất kích !"
- "Tuân lệnh Đại Bàng !"
"Thắng
Bại Là Chuyện Thường Tình Của Nhà Binh", có một lúc toàn Đại Đội phải
Hành Quân Triệt Thoái theo Chiến Thuật Nấc Thang. Trong Đội Hình
Trung Đội, Trung Sỹ Tr.Đ Phó cùng 2 Vị Ti.Đ Trưởng thường bắn che chắn
cho tôi. Quân Số Trung Đội bị sụt giảm nghiêm trọng, vì vừa tử trận
vừa bị thương - chỉ còn đúng 9 người, kể cả tôi.
Những
Bài Học Chiến Thuật Trong Quân Trường không thể đều áp dụng được cả,
chỉ có mỗi 2 Bài là được áp dụng thường xuyên: Hàng Dọc Và Hàng
Ngang. Nếu bắn bằng M 79 thì nghe được tiếng đề pa, nên Victor Charlie
"phát huy sáng kiến - cải tiến kỹ thuật" bằng cách bắn lựu đạn bằng vằn
ná thun ! Để thực hiện, Tổ Tam Tam cử 1 người ôm chặt chiếc vằn ná khổng
lồ, 1 người khác ôm chặt người trước để chiếc ná thun được định vị chắc
chắn khi bắn, 1 người khác nữa kéo căng sợi dây thun được làm bằng ruột
xe hơi, rồi bắn. Quả lựu đạn được rút chốt an toàn, kíp nổ (chiếc thìa)
được quấn bằng dây lạt dừa bằng nhiều vòng cho khỏi văng ra. Dây lạt
dừa tự động bung ra, lựu đạn từ trên không nổ chụp xuống. Chú lính Tà
Lọt, chỉ đi phía trước tôi, cách khoảng 5 bước chân, đổ ụp xuống. Một
mảnh rạch đứt bụng, ruột lòi ra, máu tuôn dầm dề. Chú đã lãnh dùm
tôi. Nhờ chiếc mũ sắt bảo vệ phần đầu, nên khuôn mặt vẫn nguyên vẹn, mắt
vẫn mở tròn. Tôi khóc lớn và đến bên, vừa vuốt mắt Chú ấy vừa khấn
thầm. Đêm đó, phía bên kia hàng rào cây chống B 40 và Hoả Tiễn Tầm Nhiệt
SA 7, nét mặt cùng dáng hình của Chú ấy hiện ra rõ mồn một trong Cơn
Mưa Rừng Tháng Bảy, chỉ cách hố cá nhân mà tôi đang ngồi gác khoảng 10
bước chân. Lúc đầu, tôi nghĩ mình hoa mắt, đưa tay lên dụi mắt, nhưng
không phải:
- "Chuẩn Uý ơi ! Em lạạạnnnhhh lăăắmmm ..."
Tôi
chỉ biết niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Hiện Tượng này không phải chỉ diễn
ra trong 1 đêm mà liền trong 6 đêm sau đó. ĐKTGTN thứ 5.
Khi đóng
quân trong rừng thưa - một vùng đất thật rộng lớn mà trước kia là
một Vùng Dân Cư, đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Chính Sách Dồn Dân Lập Ấp
của Chính Phủ Đệ Nhất Cộng Hoà, nên bị bỏ hoang hoá - chúng tôi đốn
trụi một khoảng rộng lớn bằng những thanh mã tấu thật sắc bén, để khỏi
bị che chắn tầm nhìn, dựng hàng rào phía ngoài theo Hình Tam Giác, đào
hố cá nhân đâu lưng vào nhau bằng những chiếc xẻng Nhà Binh cán xếp.
Sau đó
nhờ những Đại Đội Bạn giải vây, với sự yểm trợ hiệu quả của Mấy Con Gà
Cồ (Pháo Binh) từ Chi Khu Hoà Đồng. Chúng tôi về Vị Trí Đóng Quân cũ để
dưỡng quân và bổ sung quân số.
Việc
của tôi phải làm trước nhất là mua nhang đèn, một ít giấy tiền, vàng
bạc, vài bộ quần áo giấy, thành tâm cầu siêu cho Chú ấy.
BÀI LIÊN QUAN:
http://thomasthanhnguyentu.blogspot.com/2012/08/go-cong-om-sang-trong-tim-phan-iv.html
No comments:
Post a Comment