Saturday, August 25, 2012

TẢN VĂN: CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM VỀ KÝ ỨC (PHẦN XIV).


CHỢ LẠC XOONG.

Bố của tôi dần thích nghi với cuộc sống trên vỉa hè, tầng lớp bình dân trong xã hội là bạn hàng thân thiết, là mối lái của Ông, và hay hơn nữa là các chú bộ đội đóng quân ở doanh trại gần đó cũng lân la trò chuyện với Ông, cũng "Bố, con" rất tình cảm, cùng bắn "ba zô ka", nhả khói thuốc lào mù mịt và chiêu "ngụm trà ngon Thái Nguyên". Gian hàng - gọi cho sang - của Bố tôi là một tấm chiếu rách, trải trên nền đất và trước mặt là những chiếc khay gỗ do chú em thứ 5 - bị cưỡng bách đi Thanh Niên Xung Phong, nhưng bị bắt buộc ký giấy "tự nguyện" - kỳ cạch đóng khi từ Nông Trường Lê Minh Xuân về phép. Bên trên là một tấm poncho nhà binh căng ngang che nắng mưa. Kế bên là một Đại Tá Bộ Đội về hưu - điều này, tôi không được rõ - bày một máy bơm nhỏ xíu và đồ nghề sửa xe đạp, xe gắn máy. Theo phép lịch sự, chúng tôi gọi Đại Tá bằng Chú.

Một buổi trưa, tôi cùng chú em mang cơm ra cho Bố thì chứng kiến một cảnh hết sức trái tai gai mắt đang diễn ra. Một thanh niên còn trẻ hơn em tôi cãi nhau với Bố, miệng vãi "tiếng Đan Mạch" trong khi Ông cứ điềm tĩnh, ngồi cười ruồi như Ăng Lê, chờ nó hạ hỏa. Được thể, nó càng chứng tỏ "kỹ năng nói tiếng Đan Mạch thật thông thạo" của mình. Chịu đựng không nổi, tôi thụi liền một quả ngay cằm. Lúc này, nó mới giật mình, bình tĩnh lại, nhìn thấy hai anh em chúng tôi đang gườm gườm, tay cung lại thủ thế, bèn lẳng lặng bỏ đi. Câu chuyện tưởng như thế là xong. Bố tôi thuật lại:
- "Nó mua đôi vòng bi, đùm giữa xe đạp, một lúc sau, quay lại đòi đổi, chê đôi này là đồ cũ, bị rơ, đạp xe không ngon."
- "Thằng này đúng là quái chiêu, ra chỗ bán đồ lạc xoong mà đòi mua vòng bi ngon, chỉ có cách vào cửa hàng Nhà Nước mà mua đồ mới", tôi nói.
Bỗng dưng "Bốp !" ngay đỉnh đầu như Trời giáng, khiến tôi choáng váng, "si rô dâu" tràn lênh láng, tôi đưa tay lên vuốt mắt, rồi xòe tay ra xem. Đúng thiệt là "si rô dâu', càng khiến giận sôi lên, bao nhiêu đòn thế Thái Cực Đạo, tôi mang ra xài hết. Nhưng nó vẫn có lợi thế hơn nhờ cầm trong tay một đoạn ống sắt (metal tube) nước dài khỏang 2 m. "Vô chiêu thắng hữu chiêu", nó quơ, đập tùm lum, chẳng ra bài bản gì, nhưng ống sắt gõ trúng chỗ nào thì chỗ ấy sưng bầm lên. Tuy nhiên, tôi vẫn cố tránh né để không bị gõ vào đầu lần nữa. "Si rô dâu" vẫn tuôn tràn nhưng tôi điên lên, quên cả đau. Chú em tôi đứng ngoài lược trận, lúc này mới sốt ruột nhẩy bổ vào nó. "Hai người đánh một, không chột cũng vô đầu." Sau khi đã nhận mấy cú vào vai, em tôi dằng được ống sắt và gõ vào đầu nó. Thế là nó cũng bị xịt "si rô dâu". Thiên hạ quanh đấy rảnh nên bâu lại xem, như ruồi bâu ... dĩa mật, đã không can thì chớ, còn cổ võ "dzô, dzô". Mãi đến lúc này mới thấy Cảnh Sát Phường xuất hiện, vì đến đầu giờ làm việc chiều, hỏi khẩu cung qua loa, rồi gọi giúp 2 chiếc xích lô đạp đưa cả 3 chúng tôi đến Bệnh Viện để cấp cứu. "Sáng mai, mấy anh tới Phường xử lý tiếp nhé".

Khi đã khâu xong vết thương rồi, anh em chúng tôi vừa bước ra đến cổng, thấy nó đứng chờ sẵn, liền vội vàng dừng ngay lại và thủ thế. Nó liền xua tay lia lịa và cười cầu tài:
- "Hihihi .... Không có đâu mà. ĐM ! Em có làm gì đâu ? ĐM ! Em mời 2 anh đi uống cà phê mà. ĐM ! Anh em mình huề nhe ?"
- "ĐM ! Sao mày nhỏ mà mày dám chửi hỗn Ông Già tao ?"
- "ĐM ! Em có dám chửi đâu ? ĐM ! Tại em mất dạy từ ... nhỏ mà. ĐM ! Tại em quen chửi ĐM mà. Hihihi ... ĐM ! Em chỉ ra chình bài dzới Bác thôi ! ĐM ! Anh nóng tánh quá dzậy ? Hihihi ... ĐM ! Bởi dzậy anh em mình mới ra nông nổi này ! ĐM ! Em thiệt tầm bậy hết sức ! ĐM ! Tại cái tật ĐM mà kỳ dzậy. Hihihi ..."
Lúc đó, tôi mới phì cười và anh em tôi theo chân nó đến quán cóc "đơ la hiên" ở gần đấy. Sau này, nó trở thành mối lái cho Bố tôi nhờ chạy lòng vòng các chợ lề đường để hưởng tiền chênh lệch. Thời đó, chỉ có xe đạp Phượng Hòang "mết in tàu khựa" là nhất.
     


Khoảng tháng "năm rưỡi" - vì tôi không nhớ rõ - Mùa Hè 1985, một buổi chiều, khi tôi từ "sở làm" về, Bố tôi gọi: 
- "Bác Cả Đẫn từ bé đến lớn, chưa một lần về Quê Cha Đất Tổ, phải không ? Con thu xếp quần áo, cùng Mẹ với thằng Việt lên đường sáng ngày mai".
Khi bước chân xuống nhà dưới, tôi thấy Mẹ đã xới cơm nóng vào một cái rá, chờ nguội, bên cạnh là một chảo đậu phộng đã rang sẵn cùng muối. Tôi giúp bỏ hết đậu phộng vào cái cối đá và ngồi giã cho thật nhuyễn. Sau đó Bà cho cơm vào một tấm vải màn / mùng sạch, bảo tôi mạnh tay vắt thành từng nắm to.
Sáng hôm sau, Mẹ tôi cùng Việt - em thứ 8 - ra Nhà Ga Tàu Hỏa / Xe Lửa Hòa Hưng - Sài Gòn, Bố tôi theo tiễn. 3 người cùng hành lý lỉnh kỉnh trên chiếc xe xích lô máy. Còn tôi đạp chiếc xe đạp sườn ngang theo sau. Tôi có tính giang hồ vặt, nên không muốn làm phiền Họ Hàng Đất Bắc.
Tại Nhà Ga, trầy trật lắm mới mua được 3 vé ra Hà Nội, nhưng chiếc xe đạp của tôi lại lên chuyến tàu sau. Theo lời dặn của nhân viên Nhà Ga, tôi phải xuống tàu ở Đà Nẵng, chờ ... 2 ngày sau, đón tàu có chiếc xe đạp để cùng ra Bắc. Khi bước chân lên tàu, 3 Mẹ con chúng tôi ngồi đúng số ghế của mình, và bắt chước các chú bộ đội, đốt giấy báo để hơ dưới băng ghế gỗ. "Các xe tăng" (con rệp: bug) bụng căng phồng những máu lủ khủ bò ra, chúng tôi tha hồ giết. Rồi tàu hỏa lăn bánh. Đây là lần đầu tiên trong Đời, anh em chúng tôi được ra Đất Bắc. Mẹ tôi treo những nắm cơm ngay cửa sổ, cho gió thổi vào, cơm sẽ không thiu. 



Để cho quên đi thời gian nhàm chán lúc ngồi tàu, Mẹ tôi thuật lại câu chuyện "cổ tích đời nay". Anh em chúng tôi được nghe đi nghe lại cả ... tỷ lần, nên gần như thuộc lòng, nhưng mấy chú bộ đội thanh niên thì rất khoái nghe. Thành thật mà nói, Bà có trí nhớ rất phi thường, khi ... "xuống cấp" bán trà đá và bánh ú dạo ở Ga Bình Triệu, người ta mua ăn uống nhiều lần, đông người, nhưng không hiểu bằng cách nào mà nhớ được, Bà chẳng hề tính sai. khi tôi hỏi, Bà trả lời ... rất vô tư:
- "Mẹ làm sao mà biết được như cách mày học ở Trường, Mẹ lẩm nhẩm một lúc ra ngay thôi !"
Vì Sài Gòn đã trải qua Chiến Tranh Năm Mậu Thân 1968 và Mùa Xuân 1975, nên Bà rất cẩn thận trong việc ... kiểm tra dân số. Những chiếc màn cá nhân nhỏ bị rách được Bà cùng mấy cô em gái tháo tung và may tay lại thành một cái màn "đại cồ bự", cả gia đình nằm đất (nhưng không ăn chay). Dạo đó, thường phải thắp đèn dầu vào ban đêm, nên rất tối, vì đóng kín cửa. Sau khi chui vào màn rồi, Bà phải sờ trúng 2 chân mới chịu, đứa em nhỏ thò chân ra khỏi màn, nên Bà chỉ sờ trúng 1 chân mà Bà đã la toáng lên. Tôi nằm ở màn riêng bên ngoài vội vàng thắp đèn dầu lên, khi tìm thấy chân kia, Bà mới yên tâm ngủ. Có một chuyện tôi phải phục lăn Bà là, tất cả cuống rốn của các con, Bà vẫn cẩn thận giữ lại, cất trong hộp pastille / lozenge (có khi còn lớn tuổi hơn tôi). Cuống rốn đã khô queo được buộc một cọng chỉ nhỏ, cái nào cũng như cái ấy,thế mà Bà cầm lên từng cái và nhắc lại một cách trìu mến:
- "Cái này là của bác cả này, sinh ngày tây, ngày ta, lúc mấy giờ. Cái này là của bác hai này ..., cái này là của cô ba này ...".
Bà tin theo lối dân gian, tất cả các cuống rốn được cho vào nồi cháo, rồi múc ra chia đều cho các con cùng ăn, anh em sẽ thương xót, đùm bọc lẫn nhau. Điều này, cho đến nay, tôi chưa thấy linh nghiệm. Bà kể : 

Cách 3 đêm sau khi tôi lọt lòng Mẹ, tại Bệnh Viện Phosphates - Hải Phòng, Mẹ tôi đang thiu thiu ngủ, một bàn tay đen thui thò vào ngực Bà. Bà bật ngay dậy, một tay túm lấy đưa lên mồm cắn, tay kia ghim ngay chiếc dao con chó - dao nhỏ có lưỡi gấp - vào bóng đen. "Hắn" tháo chạy, Bà la toáng lên. Y Tá trực - là Quân Nhân - liền chạy ngay vào, sau khi nghe Bà thuật lại, anh ta ... thở phào nhẹ nhõm:
- "Chị ạ, Nhà Thương này lúc trước thuộc Quân Đội Pháp, sau đó họ bàn giao lại cho Quân Đội Liên Hiệp Pháp. Chuyện lúc nãy là chuyện thường xảy ra ở đây. Bóng đen lúc nãy là thằng Tây đen rạch mặt, bị một mảnh đạn ghim thẳng vào lồng ngực. Mãi 3 - 4 ngày sau mới chết, hồn của nó không được siêu thoát nên cứ vất vưởng ở đây để chực ăn mảnh. Nó hiện ra trần truồng - vì trước khi chết nó vậy - nhưng lúc nào, nó cũng dựng "cột buồm". Ở khu dưới kia, có mấy con đầm, hiện ra loã lồ ở phần trên, nhưng không có phần dưới ! Nhiều đêm, em đi trực ngang, chúng nó hiện ra ngay trước mặt, phải đuổi mãi chúng mới biến đi".

"Xưa thật là xưa ..." Khổ một nỗi, lúc tôi còn nhỏ, mặc dù rất sợ ma, nhưng lại khoái nghe chuyện ma, nhất là "nghe kể chuyện đêm mưa" do Mẹ của tôi kể, "ở Quê của Mẹ ..."
Trong làng, toạ lạc một Ngôi Chùa cổ, một đêm nọ, Sư Cụ Trụ Trì sau khi đi tụng Kinh Cầu Siêu cho một người vừa khuất về, khi vừa đến cổng Chùa, Ngài chưa kịp mở, cổng tự động mở ra. Ngài bắt quyết, bấm độn và hiểu tất cả. Ngài bắt ấn, ngón cái đè lên ngón áp út của bàn tay trái, tay phải lần tràng hạt, mồm lẩm nhẩm "Án ma ni bát nhĩ hồng". Ngài tiến thẳng về hướng Chánh Điện, cửa Chánh Điện cũng tự động mở. Ngài tiến đến Bàn Thờ Chư Phật - Bồ Tát, thắp hương và thỉnh chuông mõ. Rồi hắng giọng:
- "Thí Chủ cần điều gi, Bần Tăng sẽ giúp."
Ngài vừa dứt lời, một bóng trắng hiện ra, rõ là một thanh nữ, xoã tóc dài, sụp lạy dưới chân Ngài.
- "Bạch Sư Thầy, ngày ... tháng ... , sau khi con đi làm đồng về, đến ... thì bị trúng một viên đạn lạc. Vì con cố làm xong khoảnh ruộng, nên lúc đấy chỉ có mình con. Con chết mà Bố Mẹ và chị của con chẳng biết, cứ đi tìm con hoài. Con nằm ở nơi hoang vắng đó từ chiều tối hôm ấy mà chẳng ai thấy con cả. Cúi xin Sư Thầy nhủ lòng từ bi chỉ chỗ để Bố Mẹ con biết và tụng kinh siêu độ giúp con. Con đội ơn Sư Thầy."
- "Được, Ta sẽ giúp." Rồi bóng trắng biến mất.

Thường thì ở làng quê, từ Bắc vào Nam, đều có một điểm chung là thích trồng tre, có khi đó là ranh giới của làng, có khi là biên giới giữa 2 nhà. Vào những đêm rằm, đáng lẽ trăng sáng thì không có việc gì xảy ra mới đúng, nhưng ngược lại. Những ngọn cây tre lả hẳn xuống mặt đường, những ai đi ngang, không biết khấn mà cứ thế bước ngang, ngọn tre tự động bật lên. Và thường khi, vang lên giọng người đàn bà vừa đưa võng vừa hát ru con. "À ơi, con tôi hãy ngủ cho ngoan ..."
Và một buổi chiều có giông, khi Ngoại của tôi vừa buông gánh, sau khi đi bán hàng chợ xa về. Bà nhìn qua khe liếp cửa thì thấy con chó toàn trắng - nhà nuôi - đi lom khom bằng 2 chân sau, 2 chân trước chắp sau lưng, vai khoác áo tơi - không phải vải nylon như bây giờ - được chắp lại bằng những mảnh của tàu lá dừa, đầu đội nón lá. Vừa đi vừa gật gù. Bà hoảng sợ, vội cho hai anh em Kiệt, Tuấn làm thịt, nhưng hai cu chàng này không dám nhận. Chỉ giết chó mang chôn.
Bà đã quen với cảnh này, vì thường đi bán những chợ xa. Có tối về muộn, Bà đang gồng gánh, bỗng thấy một đòn, 2 quang gánh và 2 thúng, lơ lửng trước mặt, như có "người" đang gánh nhưng chẳng thấy người. Bà đi chậm, "hắn" cũng đi chậm, Bà đi nhanh, hắn cũng đi nhanh. Đến một cái cống to ở đầu làng, Bà giả vờ đi giải - đi tè - nhặt vội hòn đá to, gõ mạnh vào miệng cống. Chó trong xóm quanh đấy thi nhau sủa, quang gánh kia liền biến mất.
Bà Ngoại của tôi rất khoẻ, Bà sống thọ, gần 90 tuổi mới quy tiên.


NGUỒN TRÍCH DẪN thuyennhan.info
24/05/2012.

No comments:

Post a Comment