Sunday, August 26, 2012

TẢN VĂN: CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM VỀ KÝ ỨC (PHẦN XVI).




Tàu kéo còi vài lần để chào từ giã Thanh Hóa, rồi lại xình xịch, xình xịch lao nhanh trên đường ray, thẳng hướng Phương Bắc. Có những địa danh, tôi chưa từng nghe qua và có những địa danh trở nên quen thuộc, vì trong số những người mà tôi quen biết, là Người Bắc Di Cư, dù vào Nam lập nghiệp đã lâu, luôn tự hào về Quê Hương Bản Quán, về Nghề Gia Truyền. Tàu tiếp tục lộ trình đến Ninh Bình, rồi ghé Nam Định. Thành Phố Nam Định sở hữu 72 km bờ biển, nên những người quen của tôi có nguồn gốc nơi đây rất rành nghề biển và nghề dệt - may. Nam Định còn là thành phố có ngành công nghiệp về dệt may và công nghiệp cơ khí. Nên những tên huyện như Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực ... đối với tôi chẳng còn lạ lẫm.Tàu hăm hở ngốn nốt đoạn đường còn lại, ghé lại rồi đi qua: Phủ Lý - Hà Nam, Giáp Bát - Hoàng Mai, rồi cuối cùng đến Ga Hàng Cỏ - Hà Nội. Địa danh này có tên là Hàng Cỏ, vì vào Thời Pháp Thuộc, đã từng là nguồn cung cấp cỏ dồi dào cho Thành Phố Hà Nội. Ga Hàng Cỏ được xây dựng và khánh thành năm 1902, sau khi Cầu Long Biên và hệ thống đường sắt Việt Nam đã được thiết lập xong.

Vừa mới lui cui đạp xe ra đến gần cổng Nhà Ga, tôi bỗng nghe tiếng réo gọi tên của mình thật to. Giọng con gái Hà Nội thật trong trẻo và ngọt ngào. Một cô bé mũm mĩm, tóc xõa tung bay theo gió, hướng về tôi, vẫy tay rối rít. Rất cẩn thận, kẻo "bé cái lầm", tôi chỉ tay vào ngực mình, nhướng đầu ra ý hỏi. Cô bé gật đầu lia lịa. Tôi đạp xe đến gần, cô ấy chụp lấy cánh tay tôi một cách thân tình, liền đặt ngay một tràng câu hỏi:
- "Thế nào, anh có khỏe không ? Ngồi tàu lâu, anh có mệt không ? Anh đã ăn gì chưa ? ... "
Tôi dắt bộ và đi đi song song với cô ấy ra bên ngoài cổng. Chú em tôi đang ngồi trên một chiếc gắn máy chờ. Lúc ấy, tôi mới biết cô ấy là em họ của mình.
Chúng tôi về đến nhà ở Khu Tập Thể (Chung Cư ở trong Nam), một mâm cơm thịnh soạn đang chờ sẵn, có cả bia chai Hà Nội. Tôi khoanh tay cúi đầu chào Cậu Mợ cho phải phép. Cậu mắng yêu:
- "Sao ngố thế hả con ? Con cứ ra đây trước với Mẹ và em cho khỏi vất vả. Đằng nào tàu cũng ra tận đây cơ mà. Lúc đấy, con ra nhận xe cũng đâu có muộn. Có giấy biên nhận, họ mới giao xe chứ, phải không nào ?"
Tôi đành cười trừ và đưa tay lên gãi đầu:
- "Hihihi ... Vâng ạ. Con ngố rừng thật ạ".


Cậu là em trai út của Mẹ tôi và anh của Dì Út. Bậc Trên của Mẹ là 3 Bác, đã tử trận trong Cuộc Chiến.
(Trong cách xưng hô trong gia đình, Miền Bắc có cách gọi hoàn toàn khác biệt với Miền Nam, theo quan niệm của riêng tôi, cả 2 Miền đều có thói quen "xài sang". Đã là anh thì phải là con trai, cần gì gọi là "anh trai"; đã là chị, chắc chắn là con gái "chăm phần chăm", đâu cần phải gọi là "chị gái". Thí dụ trên tôi có 2 anh và 2 chị: VIỆT NAM HÒA BÌNH. Khi tôi gọi anh Việt, có nghĩa là tôi chẳng đề cập đến anh Nam, cũng thế, khi tôi nói chị Bình thì tôi có ám chỉ đến chị Hòa đâu mà bảo là nhầm ? Với quan niệm như vậy, khi tôi nghe một ai nói "anh trai, chị gái" thì tôi liên tưởng đến người này có 2 anh: 1 trai và 1 "gay", có 2 chị: 1 gái và 1 "lesbian", nghĩa là loại giống (sex) ở giữa đực và cái, loại "xăng pha nhớt". Tôi có anh chị họ: THỊNH VƯỢNG, tôi có cần thiết phải gọi "Anh họ Thịnh ơi, chị họ Vượng ơi" không ? Không cần, mà chỉ gọi đơn giản anh Thịnh chị Vượng là đủ. Anh của Bố hay của Mẹ đều được tôi gọi là Bác. Vợ hay chồng của Bác trai, Bác gái cũng là Bác luôn. Trong khi người Miền Nam gọi anh của Mẹ là Cậu, để khi đánh thằng cháu rồi, nó dễ xuống giọng gọi là "cẩu" (chó). Chị của Bố cũng được gọi là Bác, của Mẹ được gọi là Bá. Em trai của Bố là Chú, vợ cưng của Chú là Thím. Em gái của Bố là Cô, chồng yêu của Cô là Chú. Em trai của Mẹ là Cậu, vợ cưng của Cậu là Mợ. Em gái của Mẹ là Dì, chồng yêu của Dì là Chú (Miền Nam gọi là Dượng. Tôi nghĩ, chữ "dượng" được dùng để chỉ chồng kế của Mẹ thì hay hơn.) Người Miền Nam quen gọi theo thứ, Mẹ là thứ năm, gọi Cậu Hai, Cậu Tám, Dì Ba, Dì Bảy để dễ dàng phân biệt người được đề cập đến là bậc trên hay bề dưới của Mẹ. Một Ba Má chỉ sanh 2 người con, nhưng gọi là thằng Hai, con Ba. Theo tôi, là do người Miền Nam kỵ húy. Xưa kia, Đức Quang Trung Hoàng Đế uýnh Gia Long chạy te vô Nam. Dân Chúng quen kiêu Gia Long là Thầy Cả. Nên từ đó, con cả (con đầu lòng) chỉ dám kiêu là hai. Vào Thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh, Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) biệt phái Tướng Quân Nguyễn Hữu Cảnh trong sự nghiệp mở mang bờ cõi về Phương Nam. Tướng Quân được thăng chức vụ cao nhất trong quân vụ là Thống Suất và khi Ngài mất tại Sầm Giang, Rạch Gầm, Mỹ Tho, được phong tặng là Hiệp Tán Công Thần. Từ đó, tên húy của Tướng Quân trở thành tên kỵ của Người Miền Nam. Còn một lẽ nữa là con trai của Gia Long tên là Cảnh. Nên chậu cảnh được gọi là chậu kiểng, bến đò Tân Cảnh được gọi trại là Tân Kiểng.) 


Cậu của tôi sau khi học xong Lớp 10 (Hệ Thống Giáo Dục trong Nam là 12 năm), sau đó hoàn tất 4 năm ở Đại Học Bách Khoa, ngành Cơ Khí, nhưng trước khi nhận Văn Bằng Kỹ Sư Cơ Khí, phải thi hành Nghĩa Vụ Quân Sự (Nghĩa Vụ Quân Dịch ở trong Nam) với cấp bậc "đơ dèm cà cuống" (binh nhì). Điều này thật khác với Miền Nam, chúng tôi bị chi phối bởi Luật Tổng Động Viên năm 1972, nếu học Khóa Sĩ Quan Trừ Bị, các luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư được mang cấp bậc Chuẩn Úy, thụ huấn Khóa Sĩ Quan Hiện Dịch được mang cấp bậc Thiếu Úy. Riêng các dược sĩ và bác sĩ, sau khi thụ huấn Khóa Căn Bản Quân Sự, được rút về Quân Y phục vụ, mang lon Trung Úy. Như vậy Chính Quyền Miền Bắc "xài sang" trong Việc Dùng Người. Một người chẳng cần học gì cả cũng mang quân hàm như một người có học, chẳng may bị hy sinh trong Chiến Tranh, hai người này ngang nhau, trong khi người có học phải mất biết bao nhiêu công sức và tiền của để mà học. Đến khi được "phục viên" (giải ngũ), Cậu của tôi mang cấp bậc Trung Úy và được ưu tiên chọn nhiệm sở tại Hà Nội, và làm Kỹ Sư Cơ Khí tại một Xí Nghiệp Dược Phẩm. Những ngày còn ở Quê Nhà, tôi đã được Cậu chăm sóc, ẵm bồng những khi Mẹ của tôi bận việc gì đó. Bố của tôi vào Nam để thụ huấn Khóa 4/53 SQTB tại Trường Võ Bị Thủ Đức. Nhà nghèo nên Cậu Mợ tôi ước mong các con của mình sau này được giàu có, nên đặt tên con rất "kêu": Lam Ngọc, Hồng Ngọc và con trai út là Kim Cương. Cô bé ra đón tôi là Lam Ngọc, là Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp (ngoài Bắc gọi là Giáo Viên Cấp 3). Chồng là Công Nhân Nhà Máy Bia. Sau giờ tan ca, chàng xách về một bao hèm; sau giờ dạy, nàng chăn nuôi heo. (Dân Miền Nam thua Dân Miền Bắc ở điểm tăng gia sản xuất. Hay tại Thầy Cô của Miền Nam có điều kiện sống sung túc hơn ? Quý Thầy Cô của tôi thường hội họp nhau vào cuối tuần để ăn nhậu, khiêu vũ và đánh xì phé, hay đánh chắn, xoa mạt chược, tổ tôm, xóc đĩa - các hình thức khác như đánh bài của người Miền Bắc.)

Gần như một thông lệ, địa điểm viếng thăm đầu tiên của Dân Miền Nam ra Đất Bắc là "con từ Miền Nam ra thăm Lăng Cụ" (gọi bằng Bác là hỗn !). Lăng Hồ Chủ Tịch tọa lạc tại Quảng Trường Ba Đình, nơi mà Cụ đã từng chủ tọa các cuộc hội nghị lớn. Lăng gồm 3 lớp, chiều cao của Lăng là 21,6 m. Lớp dưới tạo hình bậc thềm tam cấp. Lớp giữa là khu trung tâm, nơi quàn quan tài bằng kính, bên trong có đặt thi hài của Cụ và những hành lang, những cầu thang. Lớp ngoài cùng là mái Lăng hình tam cấp. Vách được gắn đá hoa cương, đá cẩm thạch và hồng ngọc. 3 Mẹ con tôi cùng Cậu Mợ và em gái xếp theo hàng rồng rắn, lần lượt tiến chậm vào bên trong Lăng, đi vòng quanh chiếc quan tài bằng kính một lượt. Lăng được các chú vệ binh trong bộ đồng phục màu trắng bảo vệ ngày đêm. 2 bên Lăng là 2 rặng tre, biểu tượng của Việt Nam và phía sau là vườn cây ăn trái như cam Bố Hạ ... Chúng tôi cũng đi viếng căn nhà sàn bằng gỗ, nơi làm việc của Cụ. Cạnh đó là một ao cá hồng, cá diêu bông được gọi cho ăn bằng hiệu lệnh tiếng kẻng.

Tôi kính trọng Cụ là Vị Nguyên Thủ của một Quốc Gia, là một Bậc Vĩ Nhân. Chẳng lẽ tôi đi viếng Cụ cả triệu lần thì được Nhà Cầm Quyền cấp giấy chứng nhận là đảng viên ư ? Tôi cũng yêu Tổ Quốc Việt Nam nhưng theo một cách khác với họ.        


CHÙA MỘT CỘT.

Hà Nội là Thủ Đô, đồng thời là thành phố đứng đầu Việt Nam về diện tích tự nhiên và đứng thứ hai về diện tích đô thị sau Thành Phố Sài Gòn. Hà Nội cũng đứng thứ hai về dân số. Toạ lạc giữa Đồng Bằng Châu Thổ Sông Hồng, bên hữu ngạn trù phú. Phía Bắc giáp với Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Phía Nam giáp với Hà Nam, Hoà Bình. Phía Đông giáp với Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên. Phía Tây giáp với Hoà Bình, Phú Thọ. Nhờ Vị Trí Địa Lý bằng phẳng và rộng rãi như thế nên nơi đây đã sớm trở thành một trung tâm chính trị và tôn giáo ngay từ những buổi đầu của Lịch Sử Việt Nam. Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) quyết định xây dựng kinh đô mới ở vùng đất này với tên gọi Thăng Long. Trong suốt thời kỳ của các Triều Đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Kinh Thành Thăng Long là nơi buôn bán, trung tâm văn hóa, giáo dục của cả Miền Bắc. Khi Đức Quang Trung Hoàng Đế lên ngôi, Kinh Đô được chuyển về Huế.  Rồi Nhà Nguyễn lên nắm quyền trị vì, Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội từ năm 1831, dưới thời Vua Minh Mạng. Năm 1902, Hà Nội trở thành Thủ Đô của Liên Bang Đông Dương và được Người Pháp xây dựng, quy hoạch lại. Trải qua hai cuộc chiến tranh, Hà Nội là Thủ Đô của Miền Bắc, rồi Nước Việt Nam được thống nhất và giữ vai trò này cho tới ngày nay. Cùng với Thành Phố Sài Gòn, Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế của cả Quốc Gia. Cũng là nơi tập trung Các Trường Đại Học.


ĐỀN NGỌC SƠN - CẦU THÊ HÚC.

Đặc điểm nổi tiếng nhất của Khu Phố Cổ là họp theo từng ngành nghề. Thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long xưa tụ tập về đây, quy tụ theo từng khu vực chuyên làm nghề của mình. Các thuyền buôn có thể vào giữa phố để buôn bán trao đổi, khiến các phố nghề càng phát triển. Và chính sản phẩm được buôn bán trở nên tên phố, với chữ "Hàng" đằng trước, mỗi phố chuyên môn buôn bán một loại mặt hàng.
Hiện nay, một số phố vẫn còn giữ được các loại sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc ... Ngoài ra một số phố, tuy không còn giữ nghề truyền thống, nhưng cũng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa như phố Hàng Quạt bán quạt, đồ thờ; phố Hàng Buồm bán bánh kẹo, phố Mã Mây chuyên về dịch vụ du lịch ...
  • Hàng Bông lấy theo tên đoạn phố chính Hàng Bông Đệm vốn có nhiều nhà làm nghề bật bông, bán mền bông, chăn đệm.
  • Phố Hàng Mã - ngày xưa, tại nơi đây chuyên buôn bán đồ vàng mã dùng trong việc thờ cúng, bao gồm vàng và Đô La Âm Phủ, sau mở rộng thêm các tượng giấy hình các quan, hình nhà cửa ... để cúng và đốt cho người Cõi Âm. Ngày nay, Phố Hàng Mã chỉ nhộn nhịp vào các dịp Lễ, Tết Trung Thu, Nguyên Đán với các mặt hàng về đồ chơi. Ngoài ra, tại đây cũng là nơi bán đồ trang trí phông màn cho đám cưới với các hình cắt làm từ nguyên liệu giấy màu hay bọt xốp nhiều màu sắc.
  • Phố Mã Mây. Phố này nguyên bao gồm hai phố xưa: Phố Hàng Mã và Phố Hàng Mây. Đoạn phố trên bờ sông Nhị, bến đậu các loại thuyền bè từ vùng núi, chở theo các mặt hàng lâm sản như song, mây, tre, nứa ...
  • Phố Hàng Bạc do được Nhà Vua cho phép mở lò đúc bạc thành nén cho Triều Đình.
  • Phố Hàng Đào là nơi buôn bán các mặt hàng tơ, lụa, vải vóc (chữ vải điều chỉ màu đỏ được đọc chệch thành chữ đào).
  • Phố Hàng Lược buôn bán các loại lược: gỗ, sừng và  nhựa.
  • Phố Hàng Cót, bán cót (cây tre được tách ra từng miếng nhỏ, giát mỏng, phơi khô, xong được lồng ghép vào với nhau, thành từng tấm to). 
  • Phố Chả Cá (cá được băm nhuyễn, vo viên, rồi chiên / rán).
  • Phố Hàng Chai, bán chai lọ.
  • Phố Hàng Rươi, bán con rươi (một loại hải sản).
  • Phố Hàng Gà bán các loại gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, gà tây, ...
  • Phố Hàng Điếu, bán ống vố (pipe), ba zô ka (ống hút thuốc lào).
  • Phố Hàng Chĩnh, được Người Pháp gọi là Rue des Vases (Phố Hàng Vại Chậu), nồi đất, chum vại, tiểu sành, gốm, sứ, thuỷ tinh ...
  • Phố Hàng Đồng và phố Bát Sứ thời thuộc Pháp có tên chung là Rue des Tasses (phố Hàng Chén), bán đồ đồng như mâm, nồi, đỉnh, lư hương, lọ hoa, hạc thờ ...
 

TÀU ĐIỆN.


Hà Nội còn có thêm một đặc điểm khác là tàu điện. Tàu điện có từ 2 đến 3 toa như tàu hoả, cũng chạy trên 2 thanh ray, nhưng được vận hành bằng ... điện. 2 dãy ghế được thiết kế và lắp ghép dọc theo 2 bên thành tàu, nên hành khách có thể nhìn ngắm khuôn mặt hay chuyện trò cùng nhau. Tất cả các chuyến tàu điện đều về Nhà Ga Chót là Bờ Hồ. Rồi từ đây, toả đi các ngả đường như Khu Văn Miếu, Chợ Mơ, Chợ Đồng Xuân, Cầu Giấy, Cầu Gỗ, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Đẫy, Hàng Đường ... Có chỗ đường ray giao nhau như một ngã tư, nên Bác Tài tàu này phải nhường đường cho tàu kia qua trước. Từ tàu điện đang chạy, phát ra tiếng leng keng, đến nỗi Dân Hà Nội Gốc nghe riết đâm ... nghiện. Vận tốc tàu điện rất nhanh, đến nỗi mấy chú nhóc choai choai có thể chạy đua theo tàu một quãng ngắn, thì có thể đi lậu vé được một quãng đường.

Không phải khi về thăm Hà Nội, tôi chỉ mang theo một đầu óc trống rỗng mà tự trang bị một mớ kiến thức, một lọn khái niệm từ những giờ Văn Học Sử ở Trung Học. Mà Môn Kim Văn được truyền giảng bởi những Vị Giáo Sư Bắc Kỳ 9 Nút như tôi. Quý Thầy không những truyền đạt lòng đam mê Văn Chương, mà lại còn truyền luôn cả Lòng Thương Tưởng Quê Hương Miền Bắc, lúc nào cũng bùng lên mãnh liệt trong tâm hồn. Vì thế nên, tuy tôi học Toán - Lý - Hoá (Ban B), nhưng lại giỏi Môn Văn (Ban C). Vì làm quen với Nàng bằng Sin, Cos, Tang, Cotang, Nàng không chịu mà "táng " lại thì nguy !
  


BÀI THƠ TÌNH TOÁN HỌC.

"Tình yêu Ta sẽ mãi là số một
Dẫu khai căn, mãi mãi chẳng thay lòng

Anh yêu em từ dương vô cực
Tình đôi mình lấp ló góc alpha
Anh yêu em đâu có như người ta
Ghét cực tiểu còn anh yêu cực đại.

Thề yêu em yêu trọn đời yêu mãi
Chẳng thể nào phai nhạt đến bằng không
Anh yêu em hơn bác học Poat-sông
Yêu con số hơn cả thân mình nữa

Tình đôi ta chẳng thể nào tan vỡ
Như tiên đề tồn tại mãi em ơi
Tình đôi ta còn mãi đến muôn đời
Như định lý được chứng minh khảo nghiệm."

                                                            NGUYỄN THỊ SƯU TẦM.

Trong QUYỂN NHỮNG MÓN ĂN NGON CỦA NGƯỜI HÀ NỘI do Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết - nếu tôi nhớ không lầm - tán dương những món như Bánh Cuốn Thanh Trì - Nước Mắm Cà Cuống, Phở Bát Đàn, Bánh Tôm Hồ Tây, Miến Phủ Doãn. Có lúc tôi cùng đi thưởng thức với gia đình, có khi đi mình ên. Vì giờ giấc làm việc rất bó buộc. Có một chiệng dzui "Trai Nam Loè Cảnh Sát Giao Thông Hà Nội". Lúc đi cũng như lúc về, tôi cứ bám theo đường ray. Bất kể khúc đường này là 1 hay 2 chiều, lỡ gặp phải Cảnh Sát, không né tránh mà cứ giả nai và nói giọng Nam thì luôn được thông cảm và chỉ vẽ tận tình. Chứ cương với mấy anh này thì chỉ có mà "khô máu".

Khi tôi về đến nhà, vẫn những điệp khúc:
- "Thế nào, con thưởng thức món ấy, có thấy ngon miệng không ?"    
- "Thưa, không ạ. Chả giống với cách mô tả của Tản Đà ạ. Ông ấy nổi danh "chơi cho lịch mới là chơi". Dở tệ như vậy thì làm sao mà Ông ấy tán dương được ạ".
- "Con ơi, sao ngố thế hở con ? Ông ấy viết sách từ cái thời còn bọn thực dân Pháp cơ mà ! Bọn chúng cút xéo cả rồi, cuốn theo cả cái nết ăn. Còn bây giờ là thời quốc doanh, cha chung thì mấy ai khóc ?"

Quán Phở Hà Nội thật hoàn toàn khác biệt với Miền Nam. Tôi chỉ lấy quán phở bình dân ra so sánh. Nước lèo / nước dùng rất đậm đà nhờ được chiết xuất từ xương bò ninh nhừ. Các loại rau sống được bày ê hề trong rổ, có sẵn ở trên bàn, tôi có thể xin thêm tý giá trụng và tý hành trần. Để nêm thêm gia vị, thì có nước tương, nước mắm, tương ớt, tương đen, ớt tươi thái khoanh, chanh tươi cắt miếng, tỏi ngâm dấm và tiêu. Dù tôi có ăn thêm nhiều hoặc không ăn rau, giá tô phở 30 đồng vẫn là 30 đồng. Thế nhưng "Feu" (Phở) tại nơi sản sinh ra thì nước dùng lại lõng bõng, lạt hơn nước luộc ốc, tôi có thể tự biên tự diễn vì có sẵn mì chính (bột ngọt), tương đen, tương đỏ. Tuyệt nhiên không có lấy một cọng rau sống, nhất là món rau đi kèm để tăng thêm hương vị là ngò gai. Nếu tôi muốn có đầy đủ như ở trong Nam, tôi sẽ phải trả từ 40 đến 50 đồng ! Thưởng thức xong tô phở, tôi quen miệng xin ngụm nước trà nóng, thì:
- "Anh ạ, ra hàng nước chè ngay kia nhé. Muốn uống bao nhiêu ly cũng được cả. Còn nhâm nhi thanh kẹo lạc nữa cơ đấy".
Mang tiếng là "hàng" cho sang, chỉ là một cái bàn gỗ thấp lè tè, bên trên kê một bình tích trà ủ kín trong quả dừa khô, vài hộp nhưa đựng trà, kẹo lạc, vài gói thuốc lá Tam Đảo, Sông Cầu. Dưới đất là một lò than cùng với ấm. Và chắn chắn không thể thiếu.
 
"Ông kia đã bỏ thuốc Lào
Thấy Ba Số Tám, vội đào điếu lên."

HÚT THUỐC LÀO.

"Hút thuốc lào nâng cao sĩ diện
Thơm mồm bổ phổi, diệt trùng lao
Nâng điếu lên như Triệu Tử cầm đao
Nhả khói ra như Khổng Minh gọi gió. 
Một thằng hút, bốn thằng say
Hai thằng châm đóm ngã lăn quay
Bà già vác củi loay hoay
Hít phải mùi thuốc lăn quay xuống đồi.
Ngọc Hoàng trông thấy hay hay
Vén mây nhìn xuống cũng say thuốc lào."

                                                                   LÊ THỊ SƯU TẦM.


HỒ HOÀN KIẾM.

Tôi đạp xe loanh quanh phố xá Hà Nội, từ những con phố "ngheo huyền" đến khu phố Tây. Ra cả Cầu Long Biên và Cầu Thăng Long. Nhưng không kém màn hít bụi, vì năm 1985, con đường lớn ngang qua Ga  Hàng Cỏ đang được xây dựng. Những Bài Văn Tế được phát ra từ những gia chủ - nhà dài hơn 10m, chỉ còn lại 2m - nghe rất du dương và êm tai, nhưng tôi không dám nghe lâu vì sợ bị dzăng miểng.

NGUỒN TRÍCH DẪN thuyennhan.info
11/06/2012.
THOMAS THANH NGUYENTU.

BÀI LIÊN QUAN.

                                                                             
























No comments:

Post a Comment