Sunday, August 26, 2012

TẢN VĂN: CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM VỀ KÝ ỨC (PHẦN XVII).


CẦU LONG BIÊN.

Khí Hậu Hà Nội là tiêu biểu cho Miền Bắc, với đặc điểm Khí Hậu Nhiệt Đới gió mùa ẩm. Mùa Hạ nóng, mưa nhiều và Mùa Đông lạnh, ít mưa. Thuộc Vùng Nhiệt Đới, Thành Phố quanh nǎm tiếp nhận lượng bức xạ Mặt Trời rất dồi dào và có nhiệt độ cao. Và do tác động của biển, Hà Nội có độ ẩm và lượng mưa khá lớn, trung bình 114 ngày mưa một năm. Một đặc điểm rõ nét của Khí Hậu Hà Nội là sự thay đổi và khác biệt của hai mùa nóng, lạnh. Mùa nóng kéo dài từ tháng 5 tới tháng 9, kèm theo mưa nhiều, nhiệt độ trung bình 28,1 °C. Từ tháng 11 tới tháng 3 năm sau là khí hậu của Mùa Đông với nhiệt độ trung bình 18,6 °C. Cùng với hai thời kỳ chuyển tiếp vào tháng 4 và tháng 10, Thành Phố có đủ bốn Mùa Xuân, Hạ, Thu và Đông.
Do đó Khí Hậu Hà Nội đã cho tôi biết thế nào là kính phục sức nóng ra ... "nhiệt lượng". Sức nóng của Mùa Hè Sài Gòn - nhiệt độ vừa tăng cao thì gần như ngay lập tức có trận mưa giải nhiệt - nên chỉ to bằng móng ngón tay út của Mùa Hạ Hà Nội, vừa hầm vừa oi bức. Bên trong khuôn viên khoảnh sân vườn nhà Cậu tôi có một chiếc giếng đào, mực nước luôn dâng cao, chỉ cần nằm xấp ngay thành giếng, duỗi thẳng cánh tay thì tôi có thể múc được nước. Nhưng khốn nỗi, nước vừa mới được xối lên người thì ngay sau đó, bốc hơi ngay. Nóng vẫn hoàn nóng ! Nên không thể áp dụng câu "giải nhiệt bằng nước lạnh" được !
Tôi nghe kể lại, sau nhiều năm không được phép thăm nuôi chồng, con hiện đang học tập cải tạo tại Miền Bắc, Các Bà Mẹ, Bà Vợ là Người Miền Nam không chuẩn bị kỹ quần áo ấm để mặc vào Mùa Đông, nên có Bà đã bị đột tử vì giá rét.
   

CẦU THĂNG LONG.

Sau 5 ngày, sống tại Hà Nội, 3 Mẹ con tôi được Cậu Mợ và em gái tháp tùng về Quê Hương Bản Quán: HẢI PHÒNG. Thành Phố cách Thủ Đô Hà Nội 102 km về phía Đông Đông Bắc. Chúng tôi cùng ngồi trên xe khách Hải Âu, con ngựa sắt của tôi được nằm phơi nắng gió trên mui xe. Tuy Chiến Tranh đã lùi xa, nhưng tôi vẫn còn được nếm trải chút dư hương nhờ đi trên đoạn đường này. Những hố bom lớn nhỏ, nông sâu gần như phủ kín mặt đường. Bác Tài cho xe chạy "lăng ba vi bộ" ngoằn nghèo, bánh xe lỡ sụp xuống hố, hành khách lại một phen từ ghế ngồi, phóng vút lên, va đầu đánh cốp vào trần xe (y như hành khách đi máy bay lúc bị lọt vào túi khí không trọng lực). Quê Nội và Quê Ngoại của tôi toạ lạc hai bên Giòng Sông Cấm - dài trên 30 km là nhánh của sông Kinh Môn, chảy qua nội thành và đổ ra biển ở cửa Cấm - nối Trung Tâm Thành Phố Hải Phòng với Huyện Thủy Nguyên, và cả Nước với Tỉnh Quảng Ninh. Vì có Cậu Mợ và em gái, nên chúng tôi cùng về Quê Ngoại trước. Bến Phà Bính được biết đến như là bến phà lớn nhất miền Bắc. Vào những ngày cao điểm, có đến 35.000 lượt người qua phà, cũng có những chiếc phà có thể chở được 600 người và 10 xe ô tô cỡ lớn. Trong tiểu thuyết "Bỉ Vỏ" của cố Nhà Văn Nguyên Hồng, Bến Bính là một địa danh nổi tiếng với những nhân vật giang hồ sống ký sinh vào bến tàu khách lớn nhất Hải Phòng này.
Hải Phòng có một tên gọi thân mật (nickname) là Thành Phố Hoa Phượng Đỏ, là một Thành Phố Cảng lớn nhất và cũng là Thành Phố Công Nghiệp ở Miền Bắc. Hải Phòng là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam sau Thành Phố Sài Gòn và Hà Nội. Hải Phòng cũng là thành phố đông dân thứ 3 ở Việt Nam.

Hải Phòng là một thành phố ven biển, Bắc giáp với Tỉnh Quảng Ninh, Tây giáp với Tỉnh Hải Dương, Nam giáp với Tỉnh Thái Bình, Đông giáp Vịnh Bắc Bộ thuộc Biển Đông và Đảo Hải Nam, Trung Quốc - cách Huyện Đảo Bạch Long Vỹ khoảng 70 km. Điểm Cực Bắc của thành phố là Xã Lại Xuân thuộc Huyện Thủy Nguyên; Cực Tây là Xã Hiệp Hòa, Huyện Vĩnh Bảo; Cực Nam là Xã Vĩnh Phong, Huyện Vĩnh Bảo và Cực Đông là Đảo Bạch Long Vỹ. Địa hình phía bắc của Hải Phòng là vùng trung du, có đồi xen kẽ với đồng bằng và ngả thấp dần về phía Nam ra biển. Tại đây, một giòng sông đã được vinh danh trong Lịch Sử nhờ chiến công vang dội của Đức Hưng Đạo Đại Vương: Bạch Đằng Giang. Bờ biển Hải Phòng dài trên 125 km, thấp và khá bằng phẳng, nước biển Đồ Sơn hơi đục và cũng có lúc trong xanh, cát mịn vàng, phong cảnh hữu tình. Ngoài ra, Hải Phòng còn có Đảo Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới với những bãi tắm đẹp, cát trắng, nước trong xanh cùng các Vịnh Lan Hạ ... đẹp, kỳ thú. Cát Bà cũng là đảo lớn nhất thuộc Khu Vực Vịnh Hạ Long. Hải Phòng giàu tài nguyên đá vôi, và có mỏ đá vôi ở Huyện Thuỷ Nguyên.

BẾN PHÀ BÍNH.

Ấn tượng đầu tiên về Nơi Chôn Nhau Cắt Rốn là Màu Vàng Cháy và Bụi. Vùng Thôn Quê Miền Nam quả thật trù phú hơn Vùng Thôn Quê Miền Bắc. Do đó, Miền Nam mới được hân hạnh mang danh là Đất Lành Chim Đậu, Người Miền Bắc sẵn sàng vào Nam lập nghiệp, chứ tôi chưa thấy ai làm điều ngược lại. Tôi chỉ dám so sánh Làng Lâm - Hải Phòng với Xã Bình Phục Nhì ở Tỉnh Gò Công và Cai Lậy ở Tỉnh Định Tường, chứ không dám "vơ đũa cả nắm". Tại Miền Nam, Mùa Hè còn là Mùa Mưa, nên có khi cả tuần liền, tôi chả dám ngước mặt lên "đá lông nheo" với Ông Mặt Trời; do đó vẫn thấy sự hiện diện rất chi là thân thương của màu xanh lá mạ và màu xanh lá cây. Điều quan trọng đầu tiên mà con cháu trong Nam phải làm là thăm viếng và cúng kiếng - với đầy đủ nhang đèn ... - Ngôi Mộ của Ông Ngoại tôi, em gái tôi gọi là Ông Nội. Khu Nghĩa Trang này nằm gần Khu Mộ 12 Người Lính Tây.

Dì Út chọc tôi:
- "Nào bé con, lại cho Dì bồng tý nào", Dì vòng tay qua người để ôm tôi, "Gớm ! Đi xa mới có mấy chốc mà đã nhớn tồng ngồng thế này thì làm sao mà Dì bồng cho được ? Hí hí hí ..."
Giòng Họ Ngoại của tôi sống rải rác ở trong Làng, cho nên khi tôi đi thăm thì gần như là dịp để đi dạo quanh Làng và được thể chào hỏi các Bà, Dì, Cậu "dù họ chưa biết mặt của tôi bao giờ nhưng đã quý, vì tôi là thằng con đầu lòng nhà Mẹ S., mới từ trong Nam ra." Tình Làng Nghĩa Xóm ngoài Bắc - cũng như trong Nam - chan hoà, đầm ấm và thân mật.

SÙNG NGUYÊN TỰ - LÂM ĐỘNG - THUỶ NGUYÊN.

Ba ngày sau, Cậu Mợ và em gái tôi trở về Hà Nội. Và sau đó hai hôm, Mẹ tôi xin phép Họ Hàng Bên Ngoại cho anh em chúng tôi về thăm Bên Nội. Cảm giác cồn cào háo hức dâng lên trong tôi không ngớt, như những đợt sóng thuỷ triều. Người Xưa đã để lại câu nói: "Lá Rụng Về Cội - Cọp đi bán muối Ba Năm, quay đầu về núi".

Tôi còn nhớ, dưới Thời Ngô Tổng Thống - khoảng những năm 1957 / 1962 - vẫn còn sự hiệp thương đôi chút giữa 2 Miền Nam Bắc, nên thân nhân ở 2 bên Vỹ Tuyến có thể trao đổi cho nhau những tấm bưu thiếp. Có một lần, Ông Nội tôi đã viết: "Tự Thành từ đâu mà ra ?", có ý hờn trách 2 Bố con tôi. Họ chính của tôi không phải là NGUYỄN TỰ, nhưng vì Bố tôi là "nạn nhân của một chuyện tình". Bà Nội mất sớm, Ông vì "phòng không chiếc bóng", "lòng chợt lạnh những đêm Đông giá buốt và tĩnh mịch", nên "đã đi bước nữa". Các Cô Chú tôi lần lượt ra đời, nên Bố tôi bị "thất sủng", bèn bỏ nhà lên Hà Nội sống bụi đời từ năm lên 10. Bố tôi chỉ giữ lại chữ NGUYỄN, thay chữ đệm, đổi cả tên gọi. Trời Phật còn thương tình nên run rủi cho Ông được làm con nuôi một Ông Tây già, chủ một nhà máy xay xát lúa. Ban ngày, Bố được cho đi học Chương Trình Pháp, cho đến Brevet / Diploma (Trung Học Đệ Nhất Cấp), tối làm tròn chức trách ... kế toán trưởng. Nhưng về sau, Phong Trào Kháng Pháp nở rộ, Ông Nội Tây của tôi trở về Pháp, còn Bố tôi trở về Hải Phòng và làm Cậu Giáo Làng. Không biết Bố dạy có hay không mà "tán dính" Mẹ để tôi có điều kiện lọt lòng.

Bác của tôi biết tin nên cũng từ Hà Nội "về xem mặt thằng cháu trong Nam". Bác đã từng đảm trách Vị Trí Thứ 3 trong một Bộ, nhưng chỉ vì "Bolshevik nên không theo kịp trào lưu tiến hoá cuả bọn cấp tiến, vì vậy được cho về vườn sớm hơn thời gian quy định" (cách dùng từ mỉa mai của Bác). Chính Bác "vì Tình Gia Đình, nên rất thẳng thắn trong mọi điều liên quan đến cuộc sống để hướng dẫn cháu, một cựu sĩ quan của Chế Độ cũ" . Ông rất tế nhị trong cách gọi, không như cái bọn gọi người khác một điều nguỵ, hai điều nguỵ, nhưng chính mình thì nguỵ tổ sư bồ đà. Ông răn đe tôi:
- "Cái Ông Cộng Sản này ghê lắm, con ạ ! Nếu vì nghèo đói, con lỡ đi cướp của hay trộm cắp thì ông ấy có thể châm chước mà giảm nhẹ. Nhưng nếu mà con tham gia cái chuyện chính chị, chính em thì dù có lên Trời mà ẩn nấp, ông ấy cũng đuổi theo mà nắm chân con lôi xuống. Con có trốn xuống Âm Tào Địa Phủ thì ông ấy cũng đuổi theo mà nắm chân con lôi lên để xử tội."

Chẳng qua, trong 10 năm sau ngày Chế Độ Miền Nam hoàn toàn thất thủ, đây đó vẫn có vài Tổ Chức Phục Quốc nhen nhóm hoạt động, nhưng không hiểu bằng cách nào, họ đều bị khám phá và huỷ diệt. Bác của tôi muốn nắm chắc lời giáo huấn ban đầu của Ông đã in sâu vào trí của tôi, nên cách 2 hôm sau, Ông bắt tôi phải trả bài, dù lúc đó là ... 3 giờ sáng và tôi đang say ngủ ! Và cũng nhờ Bác, tôi được biết thêm những thông tin đau lòng mà Đại Gia Đình phải gánh chịu sau khi Bố Mẹ tôi di cư vào Nam. Bên Nội cũng như bên Ngoại buộc phải "khai trừ Bố và Mẹ của tôi vì cái tội đi theo Mỹ Nguỵ", để những người còn ở lại dễ dàng phấn đấu vào Đảng ! Khi nghe tin này, lòng quặn thắt, tôi lê lết ra đầu hè ngồi khóc. Lớn lên và được hưởng một nền giáo dục ở Miền Nam, tôi luôn được biết "gia đình là nền tảng của xã hội - gia đình có nền nếp thì xã hội mới được vững bền". Khi nghe tin này, quả thật tôi không thể hiểu được ! Ruộng đất của Ông Bà Nội tôi trước kia "cò bay thẳng cánh", nhưng sau Cải Cách Ruộng Đất, buộc phải co vào và teo tóp, rồi dừng lại ở những khoảnh ruộng xấu, để "chứng tỏ lòng yêu Nước".

Tôi chưng hửng khi nghe lời gạn hỏi của Cô tôi:
- "Gia đình của cháu vẫn còn ở chỗ cũ chứ ? Hay bị Bọn Đế Quốc Mỹ dồn đẩy đi nơi khác để lấy đất mà xây sân bay cho B52 bỏ bom Miền Bắc rồi ?".
- "Thưa Cô, vẫn ở chỗ cũ ạ, cái nơi mà ngày xưa, 2 Bố con con vẫn hay nhận bưu thiếp của Ông đấy ạ. Mà có sẵn Phi Trường U-Tapao của Hoàng Gia Thái lan - họ gọi theo Tiếng Anh là U-Tapao Royal Thai Navy Airfield - rồi ạ. Cô nghĩ xem xây phi trường cho B 52 đâu phải dễ dàng, nó to đùng và nặng chình chịch cơ mà. Thế Cô nghe tin này từ đâu vậy ạ ?"
- "Ông Nhà Nước tuyên truyền chứ ai vào đây. Ngày đấy, khối thanh niên của nhà nào có người trong Nam đều xung phong đi bộ đội để trả thù Đế Quốc Mỹ ..."
- "Vậy thì con hiểu rồi Cô ạ".

Chú rể của tôi - chồng của Cô - bị hy sinh năm 1967 ở Chiến Trường Tây Nguyên nhưng mãi năm 1985, Cô mới nhận được giấy báo tin chính thức. Tôi mà hiểu được cách làm việc của Ông Nhà Nước thì tôi giàu to rồi. Thề !


CHÙA DƯ HÀNG KÊNH - HUYỆN AN HẢI.

Trên Quê Hương Việt Nam, bất cứ ai cũng đều cùng có cảm giác mong đợi, nôn nao và cảm xúc bồi hồi khi Mùa Hè về, với những chùm Hoa Phượng đỏ rực cả một góc Trời. Một hình ảnh hết sức quen thuộc và thật thân thương nhờ gây nên thật nhiều ấn tượng thơ mộng của Tuổi Học Trò chẳng biết âu lo. Mùa Phượng nở là thời điểm giao mùa giữa Xuân - Hạ. Xen lẫn với cảm xúc bâng khuâng. Những cảm xúc dạt dào ấy trở thành những kỷ niệm và đọng mãi trong ký ức, và rồi không thể tan loãng theo giòng chảy của thời gian. Để rồi mỗi khi Mùa Hè qua đi, lại mong thêm một Mùa Hè khác tới. Mong mãi tiếng ve gọi Hè, đó cũng là một cách lắng nghe tiếng gọi của Thiên Nhiên, cách đón đợi dấu hiệu thật sinh động của Tạo Hóa, và cũng là một cách lắng nghe tiếng nói cảm xúc trong nội tâm. Nội tâm có khỏe mạnh thì Ta mới biết yêu Cuộc Sống này nhiều hơn, yêu luôn giá trị của bản thân để đạt được, để vươn tới những mục đích mới mẻ hơn và có ý nghĩa hơn.Thiên Nhiên thật có những điều lạ lùng. Con ve sầu nào mà ... không biết hát, đích thị là con đực. Còn con nào biết hát, hát rõ to, và dĩ nhiên hát rất hay thì chắc chắn là con cái. Tôi nghĩ, đặc tính này, Trời chỉ ban tặng riêng cho giống cái mà thôi. 

 
Hải Phòng được mệnh danh là Thành Phố Hoa Phượng Đỏ, nên lẽ tất nhiên Hoa Phượng được trồng ở nơi này nhiều vô kể. Hình thể cây đã đẹp, hình thái lá cũng chẳng kém chút nào, cộng với khả năng tỏa rợp bóng mát vào Mùa Hè đã khiến nó được xem là một loài cây xanh đô thị chủ lực, không riêng gì ở đây mà còn tại rất nhiều thành phố, thị xã trên Quê Hương Việt Nam, mà còn ở rất nhiều Quốc Gia nhiệt đới và cận nhiệt đới trên Quả Địa Cầu này. Đặc điểm gây ấn tượng mạnh và khó quên nhất của nó chính là cách trổ hoa, màu hoa và mùa ra hoa. Thường thì cứ vào đầu Mùa Hạ, hàng loạt cây Phượng Vỹ thi nhau trổ hoa đồng loạt và dày đặc. Hoa đỏ rực ánh lửa, phủ khắp vòm cây, nhiều cây chỉ có hoa mà không có lá xanh nào. Chính vì thế mà Hoa Phượng đã được gán cho các tên tiếng Anh "Flame of Forest" (Lửa Rừng), Flame Tree (Cây lửa), Flamboyant Tree (Cây Chói Lọi, Sặc Sỡ). Nhiều nơi, với cảm nhận vẻ đẹp cao sang của cây Phượng Vỹ đã gọi nó là Royal Poinciana (Phượng Đỏ Hoàng Gia). Ở Việt Nam, ngoài tên Phượng Vỹ, Ta còn biết những tên gọi khác là Phượng Đỏ, Phượng Tây, Điệp Tây. Thật ra, gọi Phượng Vỹ thì nghe thi vị hơn nhiều. Bởi rằng, âm Hán Việt "vỹ" có rất nhiều nghĩa, có thể áp dụng được cho cây Phượng, đó là: cái đuôi, cao to, đỏ lửng, sáng chói. Như thế, gọi Phượng Vỹ, cùng lúc Ta có thể hiểu rằng đó là một loài cây cao to, có lá như đuôi phượng, hoa đỏ lửng, chói lọi. Gọi Phượng Đỏ thì hẹp nghĩa quá, thậm chí còn khiến nhiều người nghĩ về cây Kim Phượng (Phượng cúng) hoa đỏ (Kim phượng có nhiều màu: cây hoa đỏ, cây hoa vàng, cây hoa hồng). Phượng Vỹ có tên khoa học là Delonix Regia thuộc họ Vang - Caesalpiniaceae, có nguồn gốc ở Madagascar, được xem là nguồn gen đặc hữu của Xứ này, nó được phát hiện đầu tiên ở đây, trong những cánh rừng khô rụng lá. Hiện nay, trong thiên nhiên, Phượng được xem là loài nguy cấp (Endangered Species), nhưng do khả năng tôn tạo cảnh quan, nó được trồng làm cây cảnh quan rộng khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới từ Châu Mỹ, qua Châu Phi, đến Australia, Philippines, sang Châu Á. Nên mức độ báo động, nhìn chung không cao.


NGUỒN TRÍCH DẪN thuyennhan.info
22/06/2012.
THOMAS THANH NGUYENTU.

No comments:

Post a Comment