Saturday, August 25, 2012

TẢN VĂN : CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM VỀ KÝ ỨC (PHẦN XI).



Bên tay phải, tọa lạc hai khu nghĩa trang của Người Việt gốc Bông (Người Bắc gọi là Hoa) cũng nằm trong kế hoạch giải tỏa trắng. Thế là có hai dịch vụ "ăn theo" được ra đời: nghề bốc mộ thuê và nghề khóc mướn. Có những ngôi mộ được xây kim tĩnh kỹ càng và những "bộ vét" bằng gỗ tốt lưu giữ xác, không hủy hoại, xác người vẫn còn y nguyên, giống hệt một người còn sống nằm im khi ngủ. Thậm chí, quần áo mặc trên người hầu như chẳng hề suy suyển gì nhiều. Thường là sau một Khóa Lễ "ngay tại hiện trường", những người bốc mộ được thuê thêm một công đoạn khác là ... róc thịt. Rồi, xương sẽ cho vào một chiếc quách nhỏ để mang tới Lò Thiêu Bình Hưng Hòa. Mỗi một nhóm bốc mộ có một Sếp. Sếp của tôi là bạn cùng xóm. Thành thật mà nói, mãi sau này tôi mới biết là "một Đại Ca có đẳng cấp ở Vùng Tôn Đản, Khánh Hội", nhưng tại nơi anh ở, chẳng có một ai phải phiền hà về cách đối nhân xử thế của anh cả. Anh tuyển tôi vào làm "đệ tử" của anh. Trong chiến tranh, ngồi ăn cơm cạnh xác Đồng Đội đã trương phình, tôi chả có một chút gì gọi là "ê càng", thế mà lúc đấy, tôi "hãi nhắm", chỉ làm bên "ngành vận chuyển" rượu của Bậc Đế Vương và Quan ... Tài. Trước khi róc thịt người "không còn sống", người bốc mộ, chỉ mặc độc nhất một chiếc quần đùi, uống và tắm bằng rượu. Dù là thân nhân của người quá cố, nhưng chẳng có một mống nào dám đứng gần áo quan đang chuẩn bị khui nắp. Lúc này là thời cơ kiếm chác của người bốc mộ, xác nào cũng đều mang theo đồ quý giá lúc tẩn liệm, viên kim cương hay vật gì nhỏ được nuốt vội vàng vào trong bụng của người còn sống. Vật to thì trả lại cho gia chủ, những chiếc vòng hay những chiếc thẻ bài bằng cẩm thạch đã biến sang màu huyết dụ, trông rất đẹp mắt. Phải thừa nhận câu "tiền nào - của đó" là đúng, chỉ có mỗi một chiếc áo quan rỗng thôi, đặt nằm trên chiếc xe ba bánh mà hai người chúng tôi đẩy bộ trên một đoạn đường 10 km muốn "ná thở". Tại một trại mộc - điểm làm ăn của Sếp - trên đường Lạc Long Quân - áo quan được tháo ra và bào lại, rồi được đóng lại thành chiếc tủ đứng đựng quần áo, cuối cùng được sơn phết vẹc ni đàng hoàng. Do đó, mới có một chuyện kể rằng, "Bà chủ của một gia đình nọ, vào một buổi chiều mưa phùn rả rích, vừa mới mở cửa tủ để lấy quần áo thì phát hoảng và khóc thét lên khi thấy bóng một người đàn ông đang đứng lừng lững bên trong. Người chồng vội chạy ngay vào thì chẳng thấy một ai."
     


Chỉ khoảng một tháng thì tôi "quít gióp" (quit job: bỏ việc) chỉ vì sợ hãi "những điều vu vơ". "Vì nhu cầu công tác, chúng ta phải đẩy mạnh tiến độ thi công ...", Sếp của tôi kêu gọi. Người Hoa rất tin tưởng vào giờ giấc nên nhiều khi chúng tôi phải làm việc cả vào ban đêm. Mặc dù ở đội vận chuyển nhưng tôi không thể đứng ngoài chơi. Theo sự sắp đặt của Sếp, tôi cầm ngọn đuốc soi sáng cho người khác "phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật", thì phải chứng kiến từng công đoạn hành nghề. Làm thế nào từ một thân xác còn nguyên vẹn thành một đống xương trắng hếu ? Việc đụng dao, búa vào thân xác người đã khuất là một điều đại kỵ, trọn quá trình đều thao tác bằng tay.
Ngày nay, hai khu vực này trở thành Chợ Nguyễn Đình Chiểu và Hãng Máy May "Xin Cô" (Sinco).

Tôi đâu đã có tiếng tăm mà có thể sống hoàn toàn bằng nghề "Tháo Giầy" nên phải kiếm cơm thêm bằng một nghề khác. Từ nghề Dân Biểu Xô Xích Le, tôi "lên" nghề Dân Biểu Xô Em và "cao giá" hơn: chỉ chở khách ngoại quốc. Trong những năm đó, phần đông họ đến từ Các Quốc Gia cùng khối với Nga, trình độ Tiếng Anh chỉ tương đương với học trò lớp 6 của Việt Nam. Vì thế, trong khi giao tiếp với nhau, chúng tôi dùng động từ "tu quơ" là chính, đến mỏi cả hai tay ! Cũng may là tôi chỉ hành nghề Bác Tài Xô Em vào ban ngày. Chứ ban đêm, lỡ gặp đoạn đường nào không có đèn thì ... hết quơ. Ngày trước, trong khi hành quân, tôi đã từng nằm ngủ ngon lành trên cháng ba cây, mà không rơi xuống đất. Ngày nay, tôi được nằm dài trên nệm xe trong những buổi trưa vắng khách. Nơi tôi thường đậu xe là trước Thương Xá Tax. Nghề Đạp Xe Xích Lô đã giúp tôi phương tiện đi học. Nghề Bác Tài Xe Ôm đã giúp tôi phát triển kỹ năng giao tiếp. Kỷ niệm đầu tiên mãi mãi không quên là:

Một sinh viên người California, theo học ngành Marketing Research (Nghiên Cứu Thị Trường), "sang Việt Nam đi vòng vòng tìm đề tài để viết Luận Án Tốt nghiệp". Dù Tiếng Anh của tôi lúc đấy còn phôi thai nhưng cũng đủ để anh ta nói "Good ! Good !", "Thank you." luôn miệng.

- "Marketing" is related to "Markets". Right ? What kinds of markets would you like to visit ?"
John, tên người khách, khoảng 22 tuổi :
- "Any kinds. Are there many kinds ?"
- "Yes, a lot. It takes you so much time."
- "How long ?"
- "All day long."
- "How much do I pay you ?"
- "Thirty US Dollars. Is it OK ?"
- "OK. Nope !"

Biết rằng Tiếng Anh của mình chưa lưu loát, nên tôi chỉ nói những câu đơn giản, miễn sao câu văn gồm đủ ba phần: chủ ngữ (subject), động từ (verb), túc từ trực tiếp (direct object) hay túc từ gián tiếp (indirect object). Còn những trạng từ như trạng từ chỉ tính cách (adverbs of manner), trạng từ chỉ nơi chốn (adverbs of place) và trạng từ chỉ thời gian (adverbs of time) được tôi "phang ngang bửa củi" cho xong, vì lúc đấy đang giao tiếp, tôi không có thời gian suy nghĩ mà sắp xếp cho chuẩn. Còn các thì (tenses), tôi dựa hoàn toàn vào Tiếng Mẹ Yêu cho chắc ăn, chỉ có: hiện tại đơn (simple present), hiện tại tiến hành (present progressive), quá khứ đơn (simple past), tương lai đơn (simple future) và cận tương lai (near future: "to be going to"). Anh ta biết trình độ của tôi thuộc loại "siêu cao", nên chẳng hỏi gì nhiều, khi nói thì nói chậm, để tôi nghe rõ từng chữ. Chắc ngại tôi dùng động từ "tu quơ", mất công mệt óc suy đoán thêm, nên anh ta dùng luôn "spoken English". Điều gì không hiểu thì tôi hỏi lại, anh ta dùng Tiếng Anh giản đơn hơn để giải thích.

Đáng lẽ từ Thương Xá Tax chỉ chạy thẳng một khoảng ngắn là đến ngay Chợ Bến Thành, nhưng học theo sách của các Bác Tài - tốt nghiệp Đại Học Vẽ Picasso - tôi chạy theo hướng Bạch Đằng ... cho xa. Cho xe chạy chậm, tôi tán dóc tùm lum, toàn chuyện trên Trời dưới Đất. Ấy vậy mà, anh ta lại khoái nghe. Nhiều lúc đi ngang chỗ nào có nhiều tiếng ồn hay bị bạt gió, anh ta đặt hai bàn tay to lên ngay vai tôi và ghé gần để nghe cho rõ. Sau khi gửi chiếc Honda 72 cà tàng rồi, tôi kiêm luôn Hướng Dẫn Viên cùng anh ta rảo quanh Chợ Bến Thành.
- "Do you know the reason why this market called BEN THANH ?"
- "Absolutely not ! How can I ?"
- "Almost everywhere in The South Of Vietnam, walking streets and water streets were established in a parallel way ..."

"Đường bộ: Land routes", "Đường thủy: Shipping routes". Thay vì dùng cho đúng Văn Chương Anh Quốc, nhưng trình độ chỉ có vậy, tôi cứ "chế biến một cách vô tư", còn anh ta cứ lắng nghe một cách chăm chú. Tôi không đến nỗi tệ để dùng Anh Văn theo kiểu "no star where" (không sao đâu), "I love you see mother" (anh yêu em thấy mẹ), "like is evening" (thích thì chiều), "no table" (miễn bàn) ...
"Để người ta dễ dàng vận chuyển lương thực từ tỉnh này sang tỉnh khác. Các ngôi chợ thường được xây dựng cạnh bờ sông, để dễ dàng cho việc khuân vác hàng hóa bằng sức người. Từ các tỉnh xa, họ đến Sài Gòn bằng thuyền, chở theo rất nhiều thứ. "Once upon a time" con sông Bạch Đằng, mà bạn vừa mới thấy, nằm dài ở bên kia (tôi chỉ tay về phía Công Trường Quách Thị Trang). Nhưng lâu dần, đất nổi lên (land rises) tạo thành (created) bến (wharf)".

Chắc chắn là tôi vừa tán dóc vừa nói sai Anh Văn rồi, nhưng lúc đấy, có ít nhất là hai người vui, là anh ta và ... tôi, vừa mới tập nói mà tôi có ngay khán thính giả là chính gốc American thì còn gì hơn nữa chứ ? Dân ở chung quanh đấy thấy lạ, nên bao quanh càng lúc càng đông. Tôi lại có thêm một nhiệm vụ khác là "gạc đờ ba lô". Bất cứ lúc nào, anh ta cũng đeo một chiếc ba lô - cao khoảng 1,50 m trên lưng. Lúc này, John mới chịu hạ xuống và lấy ra một chiếc máy ảnh hiệu Canon với một ống kính dài. Anh ta bấm máy chụp nhiều cảnh, từ các cô bán hàng rong, mấy anh bán xe hủ tíu, các chị hàng thịt, hàng cá ... ... ... Có những gì là lạ, John ghi ghi chép chép vào một quyển sổ sau khi nghe tôi giải thích.       


    

Nguồn Trích Dẫn thuyennhan.info  
15/05/2012.

No comments:

Post a Comment