Wednesday, August 15, 2012

CHUNG RƯỢU "THUỐC" THÂN TÌNH.



CHUNG RƯỢU LÚC ĐÊM KHUYA.

Đã thật lâu - lâu lắm rồi - tôi mới có dịp "phi" Chú Ngựa Sắt Honda Cub 90 cc mần một chuyến xuôi về Vùng Đất Phương Nam, dọc theo Quốc Lộ 1 A. Đoạn đường dài 150 km - từ Sài Gòn đến Odessadec - được tính bằng những lần "tông mê", dài theo hai bên vệ đường là những quán Cà Phê Võng, tôi dừng lại mỗi nơi một chặng, cho đỡ "tê mông", để cho người và ngựa nghỉ mệt, rồi lại rong ruổi tiếp. Mặc dù trên tuyến này và trên khắp Đất Nước Việt Nam đều có xe đò, nhưng tôi không thích bị lệ thuộc vào người khác. Thật là bực mình, khi Nhà Xe cứ dừng lại suốt dọc đường để đón thêm khách và nhồi nhét khách ! Một ghế ngang, ba người ngồi còn chật cứng, huống hồ là bốn người. Trên các xe đò dài, khách đứng chật cứng cả lối đi, đâm ra bí thở. Kẹt một nỗi, tôi mắc "Bệnh Tiểu Đường", nên thỉnh thoảng, dừng lại ven đường để "tưới cây".

Mặt Trời xiên ngang rồi xế bóng, khí Trời từ nóng chuyển sang mát rười rượi. Tôi cho xe chạy chầm chậm để tận hưởng hương đồng cỏ nội. Phong cảnh về Đồng Bằng Sông Cửu Long càng về xuôi lại càng thoáng đãng với những khoảng đồng ruộng, có nơi lúa vẫn chưa được gặt xong, còn nặng trĩu hạt vàng óng trong ráng chiều, và những mảnh vườn tược lướt vun vút qua tầm mắt. Tôi không tỏ ra sốt ruột và mong chóng đến nơi, vì đã xảy ra một lần, lúc đi thì đi bằng xe hai bánh, nhưng lúc về, tôi lại "được" di chuyển bằng xe bốn bánh, có còi hụ, vào thẳng Bệnh Viện Chợ Rẫy, để "nằm nghỉ dưỡng sức trong bốn tháng" ở Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình. Còn Con Ngựa Sắt cong queo được dẫn vào "tàu ngựa" ở Đồn Cảnh Sát. Từ đấy, "Lạy Trời Phật, từ nay con xin chừa, hổng dám phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu nữa". Tôi đã dám đua với những chú ngựa sắt đời mới, để xem sức ngựa của mình tới đâu. Đoạn đường từ Ngã Ba Trung Lương - Gian Hùng đến Cầu Mỹ Thuận thật bằng phẳng và rộng rãi, rất lý tưởng để thực hiện những cuộc đua. Và song song đó, con đường dẫn đến Nhà Thương và Nhà Xác cũng thênh thang rộng mở !

Vào đến Địa Phận Thị Xã Odessadec, tôi cho ngựa "phi nước kiệu", đưa mắt dáo dác tìm bên tay phải. À, cây xăng đây rồi ! Bên trái là "Tổng Hành Dinh" của Nem Tuấn Phát, chuyên sản xuất loại nem danh tiếng. Lời dặn của Ông Già Sa Đéc trong lần họp mặt trước cùng Nhóm Thân Hữu Facebook - ở Cà Phê Cát Đằng, Sài Gòn - văng vẳng bên tai:
- "Em qua khỏi Cây Xăng Vương Quốc Anh một chút xíu, thấy liền một con hẻm nhỏ, rồi hỏi thăm nhà của Ông Trần Quế Lâm. Người ta sẽ chỉ nhà của anh."
Tôi dừng lại ngay đầu hẻm, rồi "A lô", đã gần 10 giờ tối rồi còn gì.                 
- "Anh Năm ơi, giờ này anh còn thức không ?".
- "A lô, Tô mát Thành hả ? Anh còn thức. Dzô nhà anh không ?".
- "Phải ngay đầu hẻm dzô nhà anh là Tiệm Sửa Xe không ?".
- "Ờ, em chờ ở đó đi, anh ra rước dzô".

Khi bước chân vào nhà, vẫn còn sáng đèn. Trên bàn làm việc, máy vi tính vẫn đang còn trong chế độ mần dziệc. Một xấp giấy nháp. Một tờ bản thảo, cây bút dằn ngang. Đập ngay vào mắt tôi là QUYỂN TỰ ĐIỂN TIẾNG VIỆT.
- "Ủa, anh Năm cũng xài quyển này, hả anh Năm ?".
- "Chứ sao không ? Mình là Người Việt Nam mà chắc có viết đúng chính tả Việt Nam không ?".
- "Em tưởng chỉ mình em xài thôi chứ. Em phát âm giọng Bắc mà cũng phải tra từ điển nữa, có nhiều chữ không dám chắc chính tả. Tiếng Nước Ngoài không chấp nhận lỗi sai chính tả, thì nói chi Ngôn Ngữ Mẹ Đẻ của mình".
- "Mày ở chơi với anh có lâu không ? Lai rai với anh một miếng nghe ?".
- "Dạ, được. Nhưng em xin thưa trước, em là Vua Phá Mồi đó".
- "Không sao, đừng ngại. Mày uống được bao nhiêu thì uống mà"... "Út ơi, xuống Ba nhờ chút coi". 

Khoảng 15 phút sau, một con khô mực to đùng, nướng kỹ cùng một chén tương ớt được mang lên tận bàn làm việc của anh. Rượu thuốc được chiết từ hũ sang chai nhựa.
- "Rượu Ông Uống Bà Khen, phải không anh Năm ?".
- "Không phải, mày. Thứ đó dành cho mày. Tao già rồi, ngâm thang thuốc Trường Thọ uống cho khoẻ. Chỉ bạn bè thân thiết, tao mới mời".
Rượu được rót từ chai sang một ly nhỏ, hai anh em cưa đôi. Vừa lai rai, vừa luận bàn về thế thái nhân tình ... ... ... 
- "Hồi đầu, đọc mấy Bài Viết của mày, tao chưa khoái mày bao nhiêu. Tới khi đọc mấy Bài Viết có QUÂN TRƯỜNG ĐỒNG ĐẾ - NHA TRANG, có Bãi Tiên thì tao kết mày liền, tao cũng học ở đó mà !".
Rồi chuyển đề tài sang Thi Phú, sở trường của anh.
- "ĐM ! Mày làm Thơ Lục Bát kiểu gì mà tao không hiểu, mạy ?".
- "Hay dữ há ? Hôm đầu tiên gặp nhau ở Sài Gòn, anh đâu có gọi em bằng mày, với lại có Đu lung tung đâu ?".
- "Ha ha ha ... Thằng này hỏi ngộ, phút sơ giao mà. Khà khà khà ... Thân tình lắm, tao mới gọi là mày và chửi thề chớ bộ. Hà hà hà ...". 
- "Em viết khá nhiều, làm sao mà nhớ nổi. Bài Thơ nào của em, anh chỉ dùm đi".     

Notifications (Những Trường Hợp Trình Báo) của anh lên đến 548. Thật khiếp khủng ! Friend List (Danh Sách Bạn Bè) đạt mức kỷ lục: 5.768 !
- "Mần sao mà trả lời được hết, anh Năm ?".
- "Cũng phải ráng chứ sao, mạy ? Có khi tao thức từ 4 giờ sáng tới tối mịt mà trả lời cũng không hết nữa. Bạn bè quý mến mình, mà mình làm ngơ, coi không đành lòng". 
- "Đành là dzậy, nhưng phải có thời gian nữa chứ. Thỉnh thoảng em chỉ có hơn 90 cái thôi, mà bấm Like, đọc, suy nghĩ cho cặn kẽ rồi còm, mà cũng hết gần 4 tiếng đồng hồ. Bởi dzậy em hay thức khuya. Sau này, những bạn nào mà em có đánh dấu là Close Friend (Bạn Thân), có hiện lên dấu Ngôi Sao Màu Vàng thì ưu tiên trả lời trước mà cũng không hết nữa".
- "À ! Đây rồi, mày coi đi".
- "Dạ, em làm theo lối Thơ Lục Bát Biến Thể mờ. Anh biết Thơ Mới là loại thơ biến thể từ Các Thể Thơ Tứ Tuyệt, rồi Thất Ngôn Bát Cú mờ".
- "Thiệt không đó ? Bây giờ tao mới nghe mày nói".  
- "Dạ, thiệt mờ. Trước khi mần thơ, em đã nghiên kíu kỹ rồi".
Rượu đã ngà ngà, đêm đã dần khuya. Tôi xin phép từ giã để gia đình anh Năm còn nghỉ ngơi.
- "Mai, mày có ra nhà tao chơi không ?.
- "Dạ, có chứ ạ. Em sẽ cho cháu ra chào Bác Năm".
- "Ờ, để tao biểu Bả làm món gì coi cho được để hai anh em mình lai rai. Dưới quê mờ, đồ ăn rẻ hơn trên Sài Gòn nhiều. Mày ra đây đi. Mày cần cái gì, tao cũng chỉ hết, hổng dấu nghề".      

Trưa hôm sau, đón cháu Nguyễntự Theodore - tên ở nhà Cu Ti - từ Trường Tiểu Học đến chào Bác Năm. Anh nhắc lại những kỷ niệm cũ về Bãi Tiên, về Quân Trường Đồng Đế Nha Trang. Rồi kể sơ lược về cuộc đời nhiều thăng trầm của mình, tuy là Trung Sỹ Nhất nhưng nhờ "phông sông" (fonction / function = chức vụ) là Trưởng một Bộ Phận thuộc Hành Chánh Quản Trị ở Tiểu Khu Cần Thơ mà Thiếu Tá phải đến nhờ vả. Tôi xin phép cho cháu về, vì còn đi học thêm buổi chiều.
- "Chiều, mày ra nhà tao lai rai nghe".
- "Dạ".     

 Chiều, tôi quay lại một mình. Trước khi ngồi nhậu, anh Năm thật chân tình và chu đáo.
- "Rồi mày ngồi xuống đây đi. Chữ Tây, chữ Mỹ mày biết. Nhưng mày có biết ghép ảnh, làm Video 3 D không ? Định hỏi tao cái gì, tao sẵn sàng chỉ liền. Chứ để lát nữa, có rượu dzô rồi, cả hai anh em mình hổng biết đường nào mà hỏi, mà chỉ".
- "Em ngu lắm, anh Năm ơi. Xin anh bày cho em một chiêu ghép hình thôi. Em lãnh hội rồi mới xin anh bày chiêu khác". 
Tuy nhiên, anh cũng thao thao bất tuyệt về các kỹ năng của mình, tay bật máy, chuyển sang trang Facebook của anh, rồi giảng giải cách ghép ảnh vào thơ, cách làm Video Clip, phải qua 6 phần mềm để làm hiệu ứng 3 D, với thằng cháu ngoại cưng, người trợ thủ đắc lực của anh. Quả là "chẳng còn bất cứ một mỹ từ nào" để dành tặng anh Năm. "Chỉ một thôi, cũng đủ khùng rồi", như một người bơi (nageur / swimmer), tôi phải biết tự lượng sức mình. Việc Học được ví như một biển cả mênh mông, muốn bơi đến đích thì phải bơi từng quãng ngắn, hổng thôi ... đuối sức rồi chết chìm. Cháu ngoại của anh chép một chương trình ghép ảnh vào USB hộ tôi, trong khi anh tiếp tục giảng giải. "Nhất tự vi sư - bán tự vi sư", anh cũng là Một Ông Thầy Rất Tận Tâm của em rồi, anh Năm à. Khi nào rành chiêu đầu tiên, em sẽ xin thọ giáo tiếp. Thành công là do sự cố gắng của chính tôi.      

Cả hai anh em chúng tôi ... phủi chân sạch, rồi dzô "bàn nhậu" ... ở dưới đất, cho thoải mái. Rượu thuốc do anh ngâm, vừa thơm lại vừa ngọt, say đầm và không gây nhức đầu. Lúc đầu thì một ly cưa hai, nhưng về sau, chỉ mỗi anh Năm tự rót rồi tự uống, còn tôi, do tửu lượng kém, nên lo ... phá mồi. Chuyện trò chỉ có hai anh em thôi nhưng thật rôm rả. Chuyện Đời, chuyện thế thái nhân tình (có người "cầm nhầm" thơ mà anh sáng tác, rồi soạn nhạc mà ... quên ghi tên tác giả mần thơ, chỉ ghi độc có mỗi tên mình !), chuyện tâm tình, chuyện dzăng chương thi phú cứ nối tiếp nhau. Rồi đến lúc, tôi xin kiếu vì rượu ngấm.   

Sa Đéc không phải là một nơi chốn xa lạ đối với tôi. Tôi đã từng sống ở nơi này trong suốt 4 năm ròng và biết rành về công việc làm vườn. Phần thì nhờ nghiên cứu các loại sách, phần thì đi học hỏi các lão nông. Ngay ngày đầu tiên, tôi đã vẽ một đường parabole, sắn lưỡi cuốc vào chính ngón chân cái, bàn chân trái của mình. Định bụng sẽ "dừng bước giang hồ" và "yên phận thủ thường" trên mảnh đất nhà vườn của Ngoại cháu bé. Nhưng, rất thấm thía cảnh mà Người Xưa từng nói "Trai ở Nhà Vợ như con chó chui gầm trạn (tủ đựng thức ăn và chén đĩa)". Nếu hành xử theo kiểu "nín thở qua sông", "đui, điếc, câm" thì có lẽ tôi sẽ có thể ở đó đến mãn đời, nhưng, với bản tính trung thực, "2 + 2 = 4", tôi "khoái" sửa lưng người khác, dù đó là anh cả của vợ. Thí dụ nhỏ thôi:

Trước mặt vị Sư - mà cả gia đình nhà vợ kính ngưỡng - và hai ông anh vợ, tôi cầm quyển Giới Luật Nhà Phật do tôi mua ở Nhà Sách Chùa Xá Lợi, Sài Gòn, ra "thuyết pháp":
- "Vàng có màu vàng mà Kít cũng có màu vàng. Nhưng tại sao người ta lại quý vàng, mà kít người ta lại không quý ? Quý là vì giá trị thực của nó. Mà vàng lại có nhiều loại, như vàng 18 K, vàng y v.v ... Người ta cũng thế, đáng quý là do nhân cách, chứ không phải là do bộ quần áo đẹp mặc trên người ! Thầy Tu cũng vậy, Đức Phật đã truyền dạy GIỚI - ĐỊNH - HUỆ. Ông Phật truyền trong Ngũ Giới, có giới nào chấp thuận ăn đồ chay mà uống rượu bia như hũ chìm không ? Chắc mặc Áo Cà Sa thì đủ để thành Tăng ? Nếu như dzậy thì tui đã là Đại Lão Hoà Thượng Thích Đủ Thứ từ lâu lắm rồi ! Em nói như dzậy, đúng không anh Hai, đúng không anh Ba ?"

Mặt của cả hai ông anh chuyển từ đỏ sang tái xanh, giận lắm nhưng chẳng mở lời được. Tôi quay sang Nhà Sư hỏi tiếp:
- "Bạch Thầy, Phật Chùa nào linh ? Phật tại Chùa của Thầy có linh không ?"
Cả ba người vẫn im như hạt thóc ! Tôi từ tốn chỉ chỉ vào ngực của mình.
-"Phật ở ngay đây. Mỗi người chúng ta đều có một Ông Phật, PHẬT TẠI TÂM !

"Ta thà khốn nạn công khai
Còn hơn khối đứa giả nai, thánh thiện 
Để trong lòng, còn có chữ NHÂN
Ta cố giữ mãi lòng ngay, TÂM thẳng".

Rồi cười mím chi cọp và bỏ đi. Tôi ngang ngạnh như vậy, ai mà thèm ưa ? Cuối cùng, tôi và Mẹ của cháu bé làm phiền Ông Chánh Án Toà Án Phú Nhuận tới ba lần để huỷ hôn ước. Tôi dám tự hào rằng, rời gia đình Nhà Ngoại cháu bé mà không mắc bất cứ điều tiếng gì, như nhậu nhẹt, hút xách, đánh bạc, chôm chỉa, cá độ hay đá gà. Kể cả "tật D", tôi cũng nhốt kỹ "lão sư phụ" ở trong chuồng.

Thỉnh thoảng, tôi về thăm con, vừa đi vừa về chỉ trong 3 ngày. Chẳng ai ưa mình thì mắc chi ở lâu. Lúc về đến Odessadec có tối quá, thì ở khách sạn, sáng hôm sau vào, chẳng làm phiền ai. Những cây xoài, mít - mà tôi khổ công đắp mô cao để trồng lên, vì vùng này hay ngập lũ - bây giờ chết queo vì thiếu người chăm sóc. Khu vườn, cỏ dại mọc đầy.           

Trên đường trở về Sài Gòn, tôi ghé vào Chùa Thiên Phước, Cái Bè, Tiền Giang để làm chút bổn phận của  Phật Tử.

"UỐNG CẠN LY ĐẦY - RÓT ĐẦY LY CẠN", NHƯNG XIN CHAI HIA.

26/12/2011.
THOMAS THANH NGUYENTU.

No comments:

Post a Comment