Saturday, July 7, 2012

TẢN VĂN: CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM VỀ KÝ ỨC (PHẦN V).


ẢNH NGUỒN: GOOGLE.COM.




VIETNAMESE BOAT PEOPLE. 





Sau lần "nằm vùng" tại Phước Tỉnh - Bà Rịa trong vai một Nhân Viên Bốc Xếp Cảng Cá, và "đi ăn hôi" tại Cửa Hàm Luông - Bến Tre, mà chẳng có mảy may "triển vọng" nào.
Nói cho đúng thì công tác rà soát dọc theo Các Cửa Sông Ven Biển - có hiệu quả hơn Thời Chế Độ Cũ - được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Miền Nam, trong những năm đầu của Thập Kỷ 80, Người Dân vẫn còn cảm thấy lúng túng với những quy định của Nhà Nước mới, nếu muốn xuất tỉnh - nơi mà mình đang cư ngụ - phải có Giấy Thông Hành (y như làm thủ tục xin Passport để di chuyển từ Quốc Gia này đến Quốc Gia khác) mà thời gian cho phép lại rất hạn chế. Và muốn mang lương thực từ Tỉnh lên Thành Phố thì phải có ý kiến chấp thuận của "Các Đầy Tớ Nhân Dân" ! Tuy nhiên, mọi quy định, luật lệ - cho dù khó khăn, phức tạp đến đâu - cũng đều bị "nén bạc đâm toạc tờ giấy, nếu Ta biết đúng "cửa" để mà gõ (Có khi lại chẳng cần phải Knock Three Times !" *).

Tôi may mắn được một người quen biết cũ tin cẩn, "đề nghị trao đổi hai bên đều có lợi", "ra đi từ biển cả". Họ chỉ cần tôi "Bảo Vệ Yếu Nhân" mà không cần lấy bất cứ một khoản chi phí nào. Gia đình này đã có con và thân nhân vượt thoát được an toàn do Nhóm Tổ Chức này đưa đón, nên lần này cũng thế. Từ Sài Gòn, theo sự sắp xếp điều động của Sếp nhớn, từng nhóm nhỏ xé lẻ 2-3 người (mang biệt danh là "Heo" 1, 2 ...) đáp xe đò đi Rạch Giá. Chẳng nhóm nào được phép liên hệ với bất cứ một nhóm nào, chỉ biết "hồn ai nấy giữ", ngoại trừ những phụ tá của Sếp.  Sếp, thuộc độ tuổi trung niên, có dáng dấp phong trần, mặc đồ quân đội (vì chẳng có quân hàm, quân hiệu, nên chẳng thể được gọi là Quân Phục) và nói giọng Bắc mới, khác tui - nói giọng Bắc pha Nam. 

Đến Rạch Giá, không cần đợi xe vào Bến, nhóm 3 người chúng tôi theo Người Hướng Dẫn xuống dọc đường, rồi vào trú trong một căn nhà lụp xụp ven sông lớn để Quít-sơ-măng Rông-má-se. À quên, hổng phải. Để chờ lên "con cá" (chiếc xuồng/thuyền) bé tẻo teo vào sáng sớm hôm sau. Khoảng 4 giờ, con cá của chúng tôi lẫn lộn, trà trộn vào những thuyền câu khác, qua ngả Cầu Đúc hướng ra biển. Con cá lớn đã nằm chờ sẵn từ bao giờ. Trời sáng dần, ghe đang phom phom lao về hướng Vịnh Thái Lan, thì bỗng dưng, Tài Công la lớn "ĐM, béc dầu bị bể rồi !". Nằm trong hầm chứa cá phía khoang lái, tôi nghe tiếng lách cách, lục cục, nên tự động dở nắp chui ra (tất cả "những Heo", sau khi lên ghe rồi, đều phải chui tuốt xuống dưới hầm chứa cá, ngoại trừ "dân nhà chài" còn được ở trên boong để hóng gió biển). Cả bọn hý hoáy, tháo ráp, sửa chữa, nhưng chẳng có béc dầu sơ cua, nên những miếng giẻ rách được tận dụng để quấn lại, nhưng vẫn không ngăn được những tia dầu xịt mạnh từ trong ra khi cỗ máy nổ. Đảo Thổ Chu xuất hiện xa xa về phía Chân Trời, bên tay trái.

BIỂN CŨNG CÓ NHỮNG LÚC BÌNH YÊN NHƯ THẾ. 

Thì đột nhiên, Bầu Trời tối sầm lại, "bão nổi lên rồi" *, từng đợt sóng to cuồn cuộn dâng cao, rồi đổ ập mạnh xuống khoang ghe. Ghe chông chênh như muốn lật nhào. Tiếng la hét vì sợ, tiếng tụng "Mô Phật", tiếng kinh cầu "Lạy Chúa tôi" vang lên hoà lẫn cùng tiếng gió gầm rít. Dứt đợt này lại đến đợt khác, khiến ván be ghe kêu lên răng rắc, các khe nối bị hở. Lúc đó, do bản năng sinh tồn, nên không ai bảo ai, tất cả đều lóp ngóp chui ra khỏi hầm. Gần 60 "Heo" đều hoảng sợ như nhau. Trời đổ mưa to, nặng hạt, nhưng chẳng kể gì đến cái lạnh và sự xấu hổ thường tình, nam cũng như nữ, cởi vội quần áo ngoài, xé vụn bất cứ cỡ nào có thể được, để nhét vào những khe hở. Trên cao là Trời, chung quanh là nước mênh mông, chiếc ghe chài của chúng tôi, như chiếc lá tre mỏng manh, chập chờn trong vùng nước lũ.

Rồi mưa ngớt hạt, cơn bão lặng dần. Một Người Đại Diện của Sếp - có nhiệm vụ thu gom "những mật mã" của Heo, sau khi đến "bến bờ bình yên", để lấy nốt số vàng phải trả sau - hỏi lớn: "Đồng Bào tính sao ? Tiếp tục tiến thẳng hay quay về ?" Trong số khoảng 60 Heo thì số nữ giới nhiều hơn: "Đi về !" "Đi dzề !". Lẽ tất nhiên, đa số thắng thiểu số ! Thế là, ghe đành phải quay về, còn chậm hơn người đi bộ trên mặt đường phẳng ! Quái lạ ! Lúc chúng tôi xuất bến thì chẳng có lấy một "ma" nào đứng dàn chào tiễn biệt. Ấy thế mà, khi quay về lại được dàn chào "rất ư là long trọng" với đủ loại súng ống M 16, Carbin, CKC, AK. Người Đại Diện Sếp hô lớn "Đàn Ông, nhảy xuống trước ! Đàn Bà, xuống sau !". "Được lời như cởi tấm lòng". Đàn Ông ùa ngay xuống. Tôi ôm vội "Yếu Nhân của tôi" lao luôn xuống bờ sông, rồi chạy vội, ô-rô, cóc-kèn, mặc kệ, lõm bõm bương tuốt ! Lẫn vào xóm nhà ven sông, may được người dân ở đấy thương tình, đã không "bố cố", còn cho hai bộ quần áo cũ. Ngay tối hôm đó, chúng tôi về thẳng Sài Gòn một mạch, chẳng dám quay đầu nhìn lại !

VIETNAMESE BOAT PEOPLE. SOS !!!
ẢNH NGUỒN: WIKIPEDIA.COM.

Trừ phi nói lấy được, "cãi chày, cãi cối" "như những con vẹt" thì chẳng có gì đáng phải bình luận. Còn ngược lại thì tại sao không đặt vấn đề. Khi Nước Nhà đã được thống nhất, hoàn toàn hoà bình thì tại sao lại có một bộ phận không nhỏ - hơn hai triệu người - liều chết bỏ Nước ra đi ? Quê Hương của chính mình là nơi chốn có mồ mả Ông Bà Gia Tiên, có Cha Mẹ, Anh Em, Họ Hàng Thân Tộc. Ở nơi chốn có luỹ tre Làng thân quen bao bọc, có con đường đất quanh co, có dòng sông lặng lờ uốn khúc, có những buổi chiều yên bình với tiếng sáo diều vi vu trên tầng không, có trẻ mục đồng chăn trâu thanh thản thổi sáo, có tiếng gà ò ó o vang vọng đêm khuya, có tiếng chó sủa Trăng vu vơ-hờ hững. 
Ở nơi chốn Quê Hương thân yêu đó, có nhiều thứ thật thân quen và gần gũi - để nhung nhớ, để nôn nả quay về, mỗi lần phải rời xa Vùng Quê chỉ vì "miếng cơm,manh áo" mà phải bương chải nơi Chốn Thị Thành. Còn nơi Đô Thị, những góc phố thân quen, những nơi chốn chất chứa thật nhiều kỷ niệm như: Trường Học, Nơi Làm Việc, Nhà Hàng, Quán Cà phê , những con đường rủ lá me xanh ... . Mà ở Những Quê Hương Tạm Dung, chẳng thể nào tìm thấy được ! Nơi Quê Hương Tạm Dung chỉ tìm thấy được không khí Tự Do là đáng quý nhất mà thôi ! Những thứ "phồn vinh giả tạo" của Xã Hội Tư Bản chỉ là những xa hoa phù phiếm nhất thời. Nhà lầu, xe hơi, kim cương, vòng vàng ..., khi nhắm mắt xuôi tay về Cõi Vĩnh Hằng thì nào mang theo được đâu và có ý nghĩa gì ?

Hãy ôn lại từng trang Lịch Sử Hơn Bốn Ngàn Năm Của Dân Tộc Việt, từ thời Bắc Thuộc cho đến thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh, rồi đến thời Thực Dân Pháp. Cho dù bị ép buộc phải lên rừng tìm ngà voi, đào trầm hương, lặn xuống biển sâu lấy ngọc trai ... để triều cống giặc Tàu. Mặc dù bị bắt buộc làm phu đồn điền nơi rừng thiêng nước độc, bị bệnh sốt rét quất ngã tả tơi, chịu đựng sự đói khổ trăm bề, vẫn phải cạo mủ cao su để cống nạp cho Thực Dân Pháp. Bao nhiêu thân người phải làm mồi cho thú rừng, cho đàn cá biển. Nhưng đã có bất cứ một trang Sử nào ghi lại Người Việt phải bỏ Nước ra đi ? Chắc chắn là không ! Chẳng có một giòng chữ nào cả ! Thế mới đủ biết - cho dù phải chịu đựng bất cứ một cảnh ngộ khốn khó nào - trong tâm tưởng NGƯỜI DÂN VIỆT cũng quyết bám lấy Quê Hương của chính mình !           

* Tên Các Nhạc Phẩm.
                                                                                
                                                                                       28/09/2011.
THOMAS THANH NGUYENTU.

BÀI LIÊN QUAN:





No comments:

Post a Comment