NHỮNG ĐỒNG TIỀN ĐƯỢC LƯU HÀNH LẦN ĐẦU TIÊN TẠI MIỀN NAM VIỆT NAM.
Lần
đầu tiên sau bao nhiêu năm tháng, tôi mới được biết Ý NGHĨA CỦA CHÍNH
TRỊ là như thế nào: "CHÍNH TRỊ là tất cả những hoạt động, những vấn đề
gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay
quanh một vấn đề trung tâm, đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng Quyền Lực
Nhà Nước. Theo nghĩa rộng lớn hơn, CHÍNH TRỊ là những hoạt động của Con
Người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung."
Nói
cho đúng hơn là sự hiểu biết về Chính Trị của tôi trước kia còn quá non
nớt và thiển cận, chỉ là những khoảng thời gian ngắn ngủi trong Lớp Học
khi được huấn luyện Giai Đoạn II: Lãnh Đạo Chỉ Huy và sau đó, một Khoá
Học trong 3 tháng do Các Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị truyền đạt và
cùng hát hò "Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn. Đường dài ngút
ngàn chỉ một trận cười vang vang ...", "Hy vọng đã vươn lên trong
màn đêm bao ưu phiền ...", "Một cánh tay đưa lên. Hàng ngàn cánh tay đưa
lên. Hàng vạn cánh tay đưa lên ..." với Các Cô thuộc Cục Chính Huấn,
tại Căn Cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho, trước khi nhận nhiệm vụ Xử Lý Thường
Vụ Đại Đội Phó. Dĩ vãng đã rời xa, trí nhớ tàn lụi dần, bây giờ những
bài hát không còn được nhớ rõ. Ngày trước, mỗi chúng tôi phải thuộc ít
nhất là 10 bài, vì trong Quân Trường, vừa mới nuốt cơm xong và rời Nhà
Bàn, đã phải vừa chạy vừa hát theo khẩu lệnh bắt nhịp của Đại Đội Trưởng
Khoá Sinh.
Bởi có đủ
uy trong việc sử dụng quyền lực, nên Nhà Nước mới đã "khéo léo" điều
chỉnh những luật lệ chung, tiến hành Cải Cách Kinh Tế theo từng kế hoạch
5 năm, mà lần thứ nhất là 1976 - 1980. Có Những Dấu Ấn Trong Lịch Sử
Cuộc Đời mà tôi không thể nào quên: Chiến Dịch X 2 (nhằm tấn công, hạ
gục Tư Sản Mại Bản), Đợt I được thực hiện bất ngờ vào nửa đêm ngày
09/09/1975 và Đợt II, từ ngày 04 đến ngày 06/12/1975 ; và Cuộc Đổi
Tiền, Lần I chỉ diễn ra ở Miền Nam vào ngày 21/09/1975, Lần II trên phạm
vi cả Nước tháng 05/1978. Không phải Anh/Chị có bao nhiêu tiền thời Chế
Độ Cũ là được phép đổi hết đâu, "đừng ỷ giàu mà ham !", mà chỉ được
phép đổi theo quy định. Những gia đình có nhiều nhân khẩu nhất cũng chỉ
được đổi ngay đến mức tối đa là 500 $ (thành thị), hay 300 $ (nông
thôn). Người Nghèo không có tiền thì khổ đã đành, đằng này Người Giàu
cũng khổ, thậm chí phát cuồng đến mức ôm tiền nhảy lầu tự vẫn hoặc ngồi
trên đống tiền tự thiêu. Còn tiền đã gửi trong Ngân Hàng thời Chế Độ Cũ,
Chủ Tài Khoản chỉ được phép rút ra 30 $ (= 15 000 $ tiền cũ) mỗi tháng
mà phải có "lý do chính đáng" khỏi Trương Mục của mình. Nhưng đến tháng
12/1976, Chính Phủ ra lệnh không cho phép Người Dân được rút tiền ra
khỏi Ngân Hàng nữa.
LÁ CỜ CỦA MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM.
Và đây
cũng là lần đầu tiên, tôi được nai lưng ra kiếm, cầm, tiêu một đồng
tiền KHÔNG CHỮ KÝ. Trong khi, những đồng tiền mà tôi biết như Mỹ Kim (US
$), Úc Kim (AU $), Gia Kim (Gia Nã Đại, CAN $), Phật Lăng (France $),
và ngay cả đồng tiền của Chế Độ cũ cũng đều có chữ ký.
Trộm
nghĩ, Chức Danh Thống Đốc Ngân Hàng chỉ là tạm thời nên Ông này vừa lên
ngồi chưa nóng ghế thì bị "mời đi chỗ khác chơi", nên không cần phải
ký. Cả như một Chính Phủ như Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (hay
còn gọi là Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam) (còn ba Chính Phủ khác là: Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ) đã có tiếng nói rất
có trọng lượng trong Hiệp Định Paris, 27/01/1973, còn bị "đi vào quên
lãng" ngày 31/01/1977 nữa là, thì xá gì một thống đốc ngân hàng cỏn con
!
(Thời gian trước có "Vấn Đề Da Beo" khiến Đơn
Vị chúng tôi bị "diencai dau". Lúc có lệnh treo cờ Quốc Gia, lúc sau lại
bảo tháo xuống, chẳng qua do những lời tuyên bố xanh dờn của "Victor
Charlie": "Những nơi nào có treo cờ của tụi tui là do tụi tui kiểm soát
!", rồi "Nơi nào không treo cờ là đất của tụi tui" trên PRC 25.)
Song
song với Chiến Dịch X 2 là Chiến Dịch Di Dân Thành Phố Về Nông
Thôn Nhằm Mục Đích Xây Dựng Những Vùng Kinh Tế Mới. Sau "Cơn Bão Lớn
Tiếp Quản", chẳng hơn gì những gia đình khác ở Miền Nam, gia đình tôi
chẳng còn lại gì ngoài ngôi nhà mà cả gia đình lớn đang cư ngụ và ...
trắng tay (nhờ phúc đức của Ông Bà Gia Tiên nên không có một ai tử để
tiếp tục sống ... khổ.)
(Xin vui lòng xem những thông tin trên trong BÁCH KHOA TOÀN THƯ MỞ wikipedia.org)
Điều này, tôi đã đề cập đến trong Bài ĐÀ LẠT - HOÀI NIỆM (Đoạn 2) - 14/08/2011. Giấc mộng Đi Học, tôi đành phải khép lại.
Sau
khi từ Bảo Lộc - Lâm Đồng trở về Sài Gòn, để mưu sinh, tôi làm đủ việc
"hằm bà lằng - xắng cấu" như nhân viên bốc xếp tại kho gạo Quận 8, tài
xế xe ba gác và cả người phụ hồ ở công trình xây dựng (phải thành thật
mà nói là muốn làm được những nghề này, thì phải có sức mạnh về thể
chất, sức chịu đựng dẻo dai để guồng máy chạy đều, vì thực hiện công
việc được giao theo khoán sản phẩm, không một ai chấp nhận một bánh xe
nhỏ, xộc xệch làm chậm tiến độ.) Tôi không kham nổi nên văng luôn.
Thời
may, một anh bạn - rất thân tình từ hồi còn tấm bé - có Ông Bố là Sếp
Lớn của nhiều công trình, anh thương tình giới thiệu tôi với Bố, Ông
thương con trai nên cho bạn của con làm phụ thợ điện - "cho đỡ vất vả
nắng mưa, mà còn có cơ hội thăng tiến, có một nghề đàng hoàng cho ấm vào
thân", anh chân thành khuyên nhủ. Qua vài công trình, tôi tích luỹ được
vài kinh nghiệm thực tiễn, cộng thêm số vốn kiến thức lý thuyết ít ỏi
Thời Trung Học, lại đâm tật chủ quan và ... làm biếng ! Có một lần nọ,
khi leo lên trần nhà của một cao ốc, để cắt chuyển một số đường dây điện
chính, tôi làm biếng leo xuống để cúp cầu dao chính của tầng thượng.
Sau khi đeo máng dây an toàn vào xà nhà thật chắc chắn, tôi thò kìm cắt
vào một cọng dây, vì nghĩ rằng "có cắt cả hai dây cùng lúc đâu mà sợ
chạm". Bỗng ... Bùm ! Một tiếng nổ vang lên chát chúa, điện tắt ngúm.
Tôi bay lơ lửng như một diễn viên xiếc. Ông nghe thấy tiếng nổ, liền từ
tầng dưới chạy lên, thấy tôi đang lơ lửng, mặt cắt không còn giọt máu vì
sợ. Ông cho người lên đỡ tôi xuống, rồi hỏi chuyện sau khi tôi bình
tĩnh. Ông nổi giận nhưng lại cố kềm chế "Thôi, Bác cho con được lãnh
lương trước, rồi về đi nhé !" Mặc dù chưa hết tháng để tôi lãnh
lương. Đầu của chiếc kìm cắt bị thủng một lỗ to. Sau này tôi nhắc lại
chuyện cũ, Ông cười xoà.
Kính
thưa Bác, con xin cảm ơn Bác nhiều ạ. Lúc đấy, Bác có đánh con vì lỗi
của con, con không dám phản đối. Mặc dù, con chỉ làm Đệ Tử của Bác trong
một thời gian ngắn, nhưng ân tình của Bác cho con, không bao giờ con
quên được. Nam thân, hì hì hì ... mày không còn giận tao chứ ?
TÌNH BẠN VÀ NHỮNG DÒNG KẺ.
Trong
khoảng thời gian này, sự sinh hoạt giữa Người Dân và Khóm, Phường còn
khá chặt chẽ, họp Tổ Dân Phố liên miên và trong các dịp Lễ lớn,
Phường tổ chức thi đua trong Phong Trào Văn Nghệ Quần Chúng. Lẽ tất
nhiên chẳng thiếu "cái bản mặt" của tôi. Tôi viết những bài thơ tình,
rồi nhờ Anh Nam phổ nhạc "Mày thử hát tao nghe xem nào ?" Nhưng khốn
nỗi, chất giọng của tôi là tạp nham, hổ lốn của thuốc rê, thuốc lào và
rượu Cây Lý, nên Anh bảo "Mày hát dở như hạch ! Nghe đây nè !". Anh cầm
Guitar thùng lên, so dây, rồi tấu nhạc. Nghe sao du dương chi lạ ! Anh
viết nhạc lý, soạn ký âm, tập cho tôi hát để tự trình diễn. Chắc những
bản nhạc của chúng tôi không hợp thời - mặc dù có Nhân Viên Văn Hoá
Phường kiểm duyệt - chỉ thọ được một , hai lần, rồi thôi.
Tôi cũng soạn kịch để chế diễu Thói Mê Tín Dị Đoan, kiêm luôn diễn xuất.
Về
sinh kế, tôi lại trở về với nghề cũ: Tài Xế Xô-xích-le. Khoẻ thì đạp,
không thì ngồi nghỉ. Chẳng bon-chen-lôm-côm với bất cứ ai. Tôi lại tiếp
nối Giấc Mộng Đi Học. Vỏ bao thuốc lá Mai hay Đà Lạt, tôi lưu lại để ghi
trên mỗi bao 5 từ (20 vỏ bao là 100 từ), rồi lẩm nhẩm đọc - như người
ta nhai chí - cho đến khi chữ hằn sâu trong trí.
21/09/2011.
THOMAS THANH NGUYENTU.
BÀI LIÊN QUAN:
No comments:
Post a Comment