Saturday, July 7, 2012

TẢN VĂN: CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM VỀ KÝ ỨC (PHẦN III)

XẾP HÀNG MUA GẠO THỜI BAO CẤP.

NGUỒN: gú gồ còm.

"THẬT HÃI HÙNG THỜI BAO CẤP KHI XƯA
TOÀN ĐÓI KHỔ NÊN CUỘC ĐỜI HÉO HẮT
NGƯỜI VỚI NGƯỜI SỐNG ĐỂ TRANH ĂN !"


Sau giai đoạn Hấp - Tẩy - Cạo - Thổi là thời kỳ Quăng - Chụp tại Địa Phương, tôi cũng như bao thanh niên Miền Nam khác "ăn cơm nhà - vác ngà voi hàng Tổng": lượm rác, quét đường, móc cống, moi mương ... Những chuyện hết sức đơn giản và rất "thường ngày ở Quận" mà trước đây chưa từng làm.
Và vào những dịp Lễ lớn, tôi vẫn tiếp tục góp mặt trong Phong Trào Văn Nghệ Quần Chúng tại Phường, để có cơ hội ... "mồm miệng đỡ tay chân".







LỠ LÀM MẤT SỔ GẠO & TEM PHIẾU THÌ XEM NHƯ TỰ SÁT.







Có một nghịch lý chua chát là khi nộp đơn xin tham gia trong Phong Trào Chống Giặc Dốt, để dạy thiện nguyện các Lớp Bình Dân Học Vụ Buổi Tối, "e - mờ - em - xờ - em - xem", thì tôi đã bị nhận xét thẳng thừng:
- "Lày ! Cậu hãy tự đánh giá bản thân mình xem nà đã trong sạch chưa mà dám xin vào Đội Ngũ Kỹ Sư Tâm hồn vậy hử ?"
Mà đâu phải tôi xin dạy học để mong nhận lãnh "ba vạn chín nghìn đồng bạc" mà chỉ vì muốn
"... Thân phận cũ được đổi thay
Mới xứng đáng là Thanh Niên Thế Hệ Mới ..."





"XIN LỖI TÝ NHÉ, TỚ ĐỨNG MỎI CHÂN QUÁ, DZA ĐÂY NGỒI TÍ XÍU"

"...CÓ CỤC ĐÁ, VIÊN GẠCH XÍ CHỖ ĐÂY NHÉ". 





Và còn có một nghịch lý lớn lao hơn, dân Miền Nam mới biết mùi xếp hàng để mua gạo theo tem phiếu Thời Bao Cấp, nếu muốn được mua gạo sớm thì chịu khó đứng giữ chỗ từ 4 giờ sáng, trong khi mãi đến 7 giờ 30, Cửa Hàng mới chịu mở cửa. Nếu vì bất cứ lý do gì mà đến trễ thì kể như chịu khó xếp hàng cả ngày ! Mà có phải đâu gạo mà mình chờ mua là loại gạo đặc sản như Nàng Hương hay Chợ Đào thì cũng gọi là bõ công, nhưng chỉ là một mớ gạo mục, chỉ hơi bóp nhẹ một tý là kể như nấu thành cháo, và
"... Nước Việt Nam sản sinh lúa, gạo 
Ấy thế mà được nhận bo bo,
Mì cọng bự, lát khoai khô,
Củ mì kẻ chỉ, độn cơm cho đầy ..."

AI DÁM BẢO ĐẢM LOẠI CÂN NÀY CHÍNH XÁC ? 



"Thời gian như bóng câu qua ... cổng trước", mọi khốn khổ rồi cũng phải quen dần, tôi buộc phải thích ứng với hoàn cảnh để tự tồn tại trong một xã hội hoàn toàn mới.

Để tìm phương kế mưu sinh, tôi gom góp một ít đồ nghề như búa, kềm, cờ lê từ cỡ bé đến cỡ to, cùng vài vật dụng cần thiết khác và ống bơm tay ra Khu Vực Ngã Tư Bảy Hiền, ngồi ngay nơi mà Ông Lý Thường Kiệt đứng bắt tay Ông Lạc Long Quân, để hành nghề sửa xe ngoài lề đường. Thú thật, từ tấm bé cho đến lúc nhớn, tôi chỉ toàn được Bố Mẹ cho đi học chữ, chứ chả có một tỵ nghề ngỗng gì dính ... óc, nên chỉ toàn mỗi việc ... vá xe và ... phá xe khách cho hỏng , rồi nhờ bạn cùng nghề đến sửa để tự học nghề.
Thế mà, vẫn chả được yên thân, vì mấy chú Cớm đội nón cối vàng đến đuổi:
-"Sai địa bàn hoạt động, khác địa phương quản lý !"


MỘT ĐIỂM SỬA XE VEN ĐƯỜNG.

Tôi liền xoay sang hành nghề "Dân Biểu", dân biểu chạy đi đâu, chở loại hàng gì thì phải chiều, thích thì chiều.
"... Bác xô xích le ngược xuôi chở khách ..."

MƯA DẦM LANG THANG KÝ - 03/11/2010

Người chủ, vì sợ mất xe, nên cho hai người thuê cùng một chiếc xe theo từng lượt, để tự kèm cặp lẫn nhau. Anh thuê từ 12 giờ trưa ngày hôm nay đến 12 giờ trưa ngày hôm sau, rồi đến phiên tôi. Vì nếu cho một người thuê nguyên chiếc, họ lại sợ dễ nổi tà tâm mang xe đi bán. Họ lấy tiền thuê theo từng ngày.
Nhờ ơn Trời Phật phù hộ độ trì, lúc đấy chẳng hiểu sao tôi lại khoẻ như ... trâu và có hăng máu như ... bò, trên một đoạn đường từ Chợ Tân Định đến Chợ Phú Nhuận thì phải chạy qua Cầu Kiệu. Nhưng nhờ buổi trưa, đường vắng, sau một hồi chạy lấy trớn, tôi đạp xe một mạch qua cầu.

Thế mà, mặc dù đạp xe "mồ hôi trên dán mồ hôi dưới", tiền kiếm được vẫn chẳng đủ chi dụng trong gia đình. Vì "Cảnh Sát là bạn Người Dân, không là bạn dân, sao dân cho tiền ?". Chỉ là Phó Thường Dân Nam Bộ đạp xô xích le vẫn cần phải có nào là Giấy Phép Hành Nghề có chứng nhận của Hợp Tác Xã Xe Thô Sơ, nào là Bằng Lái ...
Số tiền của gia đình nhờ đem gửi đồ đạc của cải tại những nơi mà "Tivi, tủ lạnh, đồng hồ treo tường hiệu ODO ... chạy đầy đường" cũng cạn dần. Mẹ tôi từ một Mệnh Phụ Phu Nhân "lột xác" thành một bà xách ấm đi bán trà đá dạo tại Ga Bình Triệu cho ... "hợp thời trang", cùng hai cô em gái nhỏ bán bánh ú lá dừa. Vì Bố tôi đã:
"... Đường Học Tập, ba lô con cóc
Bố lên rừng xa tận Bắc Phương ..."  


XÔ XÍCH LE.

Thế nên, tôi đi bán "hàng không vốn" - máu của chính mình - tại Bệnh Viện nào có chữ HUYẾT, như Trung Tâm Tiếp Huyết ... Khi thì tôi lấy tên là Trần Trung Trực (vì nếu đổi dấu sẽ là "trần trùng trục") hay Nguyễn Cung Cúc ("người cùng cực") ... Dĩ nhiên, tôi không lấy tên thật cho đỡ tủi. Nhiều lúc, tôi cũng muốn "thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt - Còn hơn le lói suốt trăm năm", nhưng suy đi tính lại, "Tôi đã, đang và sẽ là ai ?", lại không dám.

Loài Người là Loài Động Vật dễ thích ứng với Môi Trường Sống. Khi đi hết sự cực nhục rồi, tôi bắt buộc phải ngoi lên. Luôn tự vấn lòng rằng: "Bây giờ mình còn đủ sức khoẻ để làm Bác Tài xô xích le, nhưng hai mươi năm sau, có còn đủ sức hay không ?" Câu trả lời lúc nào cũng "Dứt khoát là KHÔNG !" Tôi ghi danh vào Đại Học Tổng Hợp - Khuôn Viên cũ của Đại Học Văn Khoa, Saigon - để ôn luyện, rồi học Khoa Anh Ngữ, Hệ B. Những buổi trưa vắng khách, tôi thường trú nắng dưới bóng cây râm mát, sau Sân Phan Đình Phùng, trước Đại Học Kiến Trúc, Đường Pasteur, để học và ôn bài.


28/08/2011.
THOMAS THANH NGUYENTU.

BÀI LIÊN QUAN:    

No comments:

Post a Comment