Saturday, July 7, 2012

TẢN VĂN: CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM VỀ KÝ ỨC (PHẦN I).

ĐỨC GIÁM MỤC BÁ ĐA LỘC
GEORGES PIGNEAU DE BEHAINE. 

 Khi cuộc sống có quá nhiều những ray rứt - băn khoăn, những suy tư - cân nhắc giữa NHỮNG CÁI MẤT và NHỮNG ĐIỀU ĐẠT ĐƯỢC, tôi như một chú đà điểu, vùi đầu vào trong cát nóng sa mạc, mặc cho những gì đã xảy ra - cứ qua đi, còn những gì chưa xảy ra - cứ xảy ra. Không gì bằng, tôi thực hiện CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM VỀ KÝ ỨC để cõi lòng mình được phần nào yên bình và thanh thản.

Còn ghi nhận được trong hồi ức, vào THUỞ THANH XUÂN hay THUỞ ĐẦU ĐỜI, sau khi giã từ Đà Lạt (chỉ vì lỗi ham chơi nên thi rớt vào Năm Đầu Trung Học Pháp Ngữ - Grand Lycée Yersin, nên tôi làm phiền lòng Bố Mẹ tôi không ít.) Tôi phải mất một năm để học Việt Ngữ (trong Trường Petit Lycée tuy có Tiết Học Việt Ngữ, nhưng chỉ được xem là Môn Học phụ.) Trẻ con nếu có chửi nhau thì vẫn phải nói "tiếng Đan Mạch" bằng Pháp Ngữ.

Sau đó, tôi xin vào Trường Trung Học Đệ Nhất Cấp Nhân Vị (Đường Nguyễn Huệ - Gia Định) rồi thi vào Trường Hồ Ngọc Cẩn (Đường Lê Quang Định - Gia Định - gần Chợ Bà Chiểu) để theo học Trung Học Đệ Nhị Cấp. Tôi được các bạn đồng lớp tín nhiệm bầu làm Trưởng Lớp kiêm Trưởng Ban Văn Nghệ. Nhờ thừa hưởng chút máu "dzăng nghệ" từ Ông Cụ Thân Sinh và được truyền thụ lòng đam mê Quốc Văn từ nhị vị Giáo Sư khả kính: NGUYỄN VĂN SỬ (Trường Nhân Vị) và TRỊNH VĂN TUẤN (Trường Hồ Ngọc Cẩn) (Thầy Tuấn là một Tấm Gương Nhà Nghèo Hiếu Học. Trong cùng một năm, Thầy đã đạt được hai Văn Bằng Cử Nhân Toán và Cử Nhân Văn Chương. Thầy dạy lớp chúng tôi Môn Văn, xong sang lớp khác dạy Môn Toán.)

Nhờ vậy, tôi đã tham gia vào các tiết mục mà mình sở trường như làm Thơ - viết Văn, soạn và diễn xuất Kịch, và Hát. Hằng năm, Nhà Trường thường tổ chức thi đua làm Bích Báo, biểu diễn Ca - Vũ - Nhạc - Kịch giữa các Khối Lớp trong những dịp Lễ lớn như Mừng Chúa Giáng Sinh, Mừng Tân Niên vả Lưu Bút Ngày Xanh. Riêng Năm Cuối Cấp, chúng tôi được phát hành Kỷ Yếu. Ngày trước chúng tôi được học cả KIM VĂN lẫn CỔ VĂN, nên rất dễ lần mò tìm từ ngữ có thanh âm bằng- trắc, hoặc những điển cố thích hợp để sắp xếp và ráp nối các chữ trong câu, sao cho đúng âm luật. Tất nhiên, cũng cần phải có "vài tiếng tơ lòng" để viết sao cho có hồn.

MỘT BẢN HÁN VĂN. 

Đức Giám Mục BÁ ĐA LỘC (PIERRE JOSEPH GEORGES PIGNEAU DE BEHAINE)(02/02/1741 - 09/10/1799), là Một Vị Giáo Sĩ Người Pháp đã được Vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh trọng dụng và phong tặng là Giám Mục Thượng Sư, hay còn gọi là Giám Mục Adrian. Người Việt biết đến Ngài dưới tên là Bá Đa Lộc (phiên âm Hán Tự của Pierre) hay Cha Cả. Để việc truyền đạo ở Việt Nam được thêm dễ dàng - thuận lợi và tránh sự bất đồng giữa hai ngôn ngữ, Ngài đã gắng công soạn Bộ Từ Điển Việt Ngữ, được mang tên Dictionarium Anamitico Latinum (1773).

Hệ Thống Chữ Quốc Ngữ được xây dựng dựa trên Các Mẫu Tự La Tinh, thêm các chữ ghép và 9 dấu phụ (4 dấu nhằm tạo ra các âm mới và 5 dấu còn lại để dành cho việc thể hiện thanh điệu của từ, 2 loại dấu phụ có thể được viết cùng trên chữ cái nguyên âm):
A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, G, H, I, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, X,Y - CH, GH, GI, KH, NG, NGH, NH, PH, TH, TR.

Bộ Giáo Dục hiện nay trong Vấn Đề Cải Cách Giáo Dục, đã có quy định từ năm 1984, dùng "i" thay "y", vì thế, ta có: lý => lí, quý => quí, thuý => thúi, thuỵ => thụi. (sic !)

KHU LĂNG MỘ CỦA CHA CẢ.

Kiến trúc của Khu Lăng Mộ Cha Cả rất đẹp và uy nghiêm, được thiết kế theo kiểu truyền thống thuần tuý Việt Nam, mái lợp ngói âm dương, có bình phong, bái đường và hậu cung, cột và vách bằng gỗ quý.
Lăng Cha Cả toạ lạc gần Phi Trường Tân Sơn Nhất , tại Phường 01, Quận Tân Bình (hiện nay), được gìn giữ hết sức cẩn thận và kỹ càng cho đến hết Thời Chế Độ Sài Gòn. Vì Ngài đã có công lớn trong việc phát minh ra Chữ Quốc Ngữ Việt Nam, nên Khu Lăng Mộ của Ngài được tôn vinh là Di Tích Lịch Sử Cấp Quốc Gia ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

VÒNG XOAY TÂN BÌNH.

Nhưng để cải thiện giao thông Quận Tân Bình, Nhà Nước mới đã ra lệnh giải toả trắng để làm Vòng Xoay (Khu Vực Hoàng Văn Thụ - Cộng Hoà) năm 1980.

Thật khác xa với Bắc Kinh - Trung Quốc, Hán Thành - Đại Hàn, Ba Lê - Pháp, những di tích lịch sử đã yên vị ở nơi nào thì cứ nằm yên đấy, xe cộ muốn lưu thông thì cứ chạy quanh !


                                                                                                       
25/08/2011.
THOMAS THANH NGUYENTU

BÀI LIÊN QUAN:
  
 

No comments:

Post a Comment